Niềm vui trở lại với giới đầu tư trên thị trường phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Niềm vui trở lại với giới đầu tư trên thị trường phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư ồ ạt bắt đáy

(ĐTCK) Sau chuỗi phiên giảm mạnh liên tiếp, đẩy giá nhiều loại cổ phiếu xuống thấp, cũng với khả năng cuộc chiến thương mại hạ nhiệt đã kích hoạt lực cầu bắt đáy từ giới đầu tư, giúp phố Wall hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba.

Sau chuỗi phiên bị bán tháo, do ảnh hưởng từ khả năng tăng lãi suất của Fed, cuộc chiến thương mại và kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp được công bố, nhiều cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu của nhà sản xuất chip bị đẩy xuống mức thấp.

Bước vào phiên giao dịch thứ Ba, lực cầu bắt đáy chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chip và nhóm vận tải, sau đó lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác, giúp các chỉ số chính của phố Wall có phiên hồi phục ấn tượng với mức tăng hơn 1,5%. Trong đó, tất cả 11 chỉ số ngành đều tăng điểm.

Một thông tin nữa đã kích thích giới đầu tư mạnh dạn mua vào trong phiên thứ Ba là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng "một thỏa thuận lớn" có thể xảy ra với Trung Quốc, làm giảm nỗi lo về cuộc chiến thương mại ngày càng tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Dow Jones tăng 431,72 điểm (+1,77%), lên 24.874,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,38 điểm (+1,57%), lên 2.682,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 111,36 điểm (+1,58%), lên 7.161,65 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại quay đầu điều chỉnh sau phiên hồi phục đầu tuần do kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố gây thất vọng cho giới đầu tư như Geberit, Lufthansa, Beiersdorf, BNP Paribas...

Kết thúc phiên 30/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,53 điểm (+0,14%), lên 7.035,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 48,09 điểm (-0,42%), xuống 11.287,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,82 điểm (-0,22%), xuống 4.978,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực cầu bắt đáy vào nhóm cổ phiếu cơ bản và nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cũng giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên hồi phục mạnh. Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục hơn 1% sau khi mất hơn 2% trước đó khi Cơ quan Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết họ sẽ mua lại cổ phiếu để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, bất chấp lời hứa hỗ trợ thị trường từ chính quyền đại lục, chứng khoán Hồng Kông vẫn có phiên giảm khá mạnh, xuống mức thấp nhất 18 tháng do tâm lý nhà đầu tư chưa được giải tỏa.

Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 307,49 điểm (+1,45%), lên 21.457,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,94 điểm (+1,02%), lên 2.568,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giàm 226,51 điểm (-0,91%), xuống 24.585,53 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý tiếp tục có phiên giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp trong tuần khi chứng khoán khởi sắc và đồng USD mạnh, gây sức ép lên giá vàng.

Kết thúc phiên 30/10, giá vàng giao ngay giảm 6 USD (-0,49%), xuống 1.222,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,3 USD/ounce (-0,19%), xuống 1.225,3 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm với biên độ giảm mạnh hơn phiên trước đó do lo ngại nguồn cung gia tăng và nhu cầu giảm do kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 30/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,86 USD (-1,30%), xuống 66,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,43 USD (-1,88%), xuống 75,91 USD/thùng.

Tin bài liên quan