Giới đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (25/10), khi áp lực bán trên diện rộng tại nhóm cổ phiếu công nghệ cũng như sức ép từ lợi suất trái phiếu khiến lo ngại gia tăng về lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Giới đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu công nghệ

Cổ phiếu Alphabet (Google) giảm 9,5% xuống mức thấp nhất trong ba tháng, sau khi báo cáo hoạt động kinh doanh đám mây tăng trưởng chậm nhất trong ít nhất 11 quý.

Áp lực bán theo đó lan rộng tại nhóm công nghệ và khiến chỉ số S&P 500 đóng cửa dưới mức tâm lý 4.200 điểm, trong khi Nasdaq Composite, vốn tập trung nhiều nhóm cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/2.

Trái lại, cổ phiếu Microsoft tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong ba tháng, sau khi kết quả quý kinh doanh quý vừa qua vượt dự báo ở tất cả các mảng, bao gồm cả mảng kinh doanh đám mây.

"AI tạo ra được cho là sẽ thúc đẩy doanh thu đám mây của Google và điều đó rõ ràng đã không xảy ra. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và lợi nhuận nhiều công ty phân hóa khiến các nhà đầu tư chứng khoán chọn nhấn nút bán", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết.

Trong khi đó, sức ép khác còn đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn tiếp tục tăng, tiến gần hơn đến mức 5%, sau khi dữ liệu doanh số bán nhà mới cao hơn dự kiến và lãi suất thế chấp đạt mức cao nhất trong 23 năm làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng thị trường tại Carson Group ở Omaha, cho biết: “Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không hẳn là yếu tố chính tác động mạnh đến xu hướng thị trường, mà vấn đề thực sự vẫn là lợi suất trái phiếu không có dấu hiệu suy yếu”.

Trọng tâm hiện giờ của thị trường sẽ là Meta Platform (Facebook), khi công ty này sẽ báo cáo kết quả kinh doanh sau khi thị trường đóng cửa, với dự báo mức tăng trưởng doanh số quý tốt nhất trong gần hai năm.

Kết thúc phiên 25/10: Chỉ số Dow Jones giảm 105,45 điểm (-0,32%), xuống 33.035,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 60,91 điểm (-1,43%), xuống 4.186,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 318,65 điểm (-2,43%), xuống 12.821,22 điểm.

Chứng khoán châu Âu ít thay đổi, trong bối cảnh báo cáo lợi nhuận nhiều công ty phân hóa, khi sự sụt giảm của Worldline được bù đắp bởi sự thúc đẩy từ Dassault Systems và kết quả lạc quan của Deutsche Bank.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,04% lên 435,27 điểm, với nhóm cổ phiếu khai thác dẫn đầu với mức tăng 0,9%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất dẫn đầu đà giảm, mất 1,9%.

Kéo chỉ số chuẩn là Worldline giảm hơn 59% xuống xuống mức thấp kỷ lục, sau khi công ty thanh toán Pháp cắt giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm nay, với lý do suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, nhà sản xuất phần mềm Pháp Dassault Systemes tăng 8% sau khi nâng mục tiêu lợi nhuận cả năm, trong khi Deutsche Bank tăng 8,2% khi ngân hàng này hứa hẹn mua lại cổ phiếu nhiều hơn vào năm tới và doanh thu quý III ước tính vượt qua dự báo của giới phân tích.

Ở những nơi khác, cổ phiếu xa xỉ Pháp Kering giảm 3,5% xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020, khi công bố doanh số quý III giảm mạnh hơn dự kiến do nhu cầu đối với quần áo và phụ kiện cao cấp chậm lại. Kết quả ảm đạm cũng kéo theo các cổ phiếu cùng ngành là LVMH, Richemont và Pernod Ricard giảm từ 0,1% đến 0,9%.

Trong khi đó, những dữ liệu gần đây nhất về hoạt động kinh doanh chậm lại ở khu vực đồng euro và giá năng lượng tăng đột biến do căng thẳng ở Trung Đông làm tăng thêm lo ngại về tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Kết thúc phiên 25/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 24,64 điểm (+0,33%), lên 7.414,34 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 12,24 điểm (+0,08%), lên 14.892,18 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 21,42 điểm (+0,31%), lên 6.915,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng tích cực của phiên đêm qua trên Phố Wall và kỳ vọng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,67% lên 31.269,92 điểm. Chỉ số Topix 0,61% lên 2.254,40 điểm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh của Nhật Bản đã diễn ra từ khoảng đầu tháng, nhưng tăng tốc vào tuần tới và đạt đỉnh vào giữa tháng 11.

Nhà sản xuất máy móc công nghiệp IHI Corp là cổ phiếu hoạt động hàng đầu trên Nikkei 225 với mức tăng 4,61%. Tiếp theo là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Screen Holdings, tăng 3,53%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi nước này thông qua việc phát hành thêm 1.000 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chủ quyền để hỗ trợ nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,40% lên 2.974,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,50% lên 3.504,46 điểm.

Các nhà phân tích cho biết, việc thúc đẩy gói kích thích tài khóa đã thể hiện cam kết của lãnh đạo nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5% gần như được đảm bảo.

Cổ phiếu cơ sở hạ tầng theo đó đã tỏa sáng, tăng 2,6%.

Việc phát hành thêm trái phiếu sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2023 của Trung Quốc lên khoảng 3,8% GDP từ mức mục tiêu 3%, Tân Hoa Xã cho biết.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000, Trung Quốc mở rộng thâm hụt ngân sách trong năm tài chính và là lần thứ tư trong lịch sử nước này phát hành trái phiếu đặc biệt.

"Nó đến với thị trường như một bất ngờ. Trung Quốc hiếm khi điều chỉnh ngân sách. Một phần số tiền huy động được sẽ được sử dụng vào năm tới, do đó điều này giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng sau quý IV". Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết.

Trong một tín hiệu mạnh mẽ khác về sự tập trung của Bắc Kinh vào việc phục hồi nền kinh tế và thị trường tài chính, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến ngân hàng trung ương trong 10 năm làm chủ tịch, Reuters trích dẫn các nguồn tin

Chứng khoán Hồng Kông tăng, cũng nhờ thông tin Trung Quốc phát hành hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,55% lên 17.084,33 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,94% lên 5.853,97 điểm.

Trong một diễn biến khác, Hồng Kông có kế hoạch cắt giảm thuế trước bạ đối với giao dịch chứng khoán xuống 0,1% từ 0,13% để thúc đẩy thanh khoản thị trường, Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông John Lee cho biết hôm thứ Tư trong khi đưa ra bài phát biểu chính sách năm 2023.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin lao dốc sau khi công ty hàng đầu trong ngành LG Energy Solution (LGES) cảnh báo về nhu cầu suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,34 điểm, tương đương 0,85% xuống 2.363,17 điểm.

LGES cảnh báo về tăng trưởng doanh thu chậm hơn vào năm 2024, sau khi báo cáo lợi nhuận quý III tăng 40%, cùng với ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp bày tỏ sự thận trọng.

Cổ phiếu LGES giảm 8,70%, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022 và đánh phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/1/2022.

Các công ty cùng ngành khác như Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 7,19% và 5,67%, trong khi nhà sản xuất vật liệu pin POSCO Holdings giảm 6,01%.

Đi ngược xu hướng thị trường, LG Display tăng 5,45%, khi nhà sản xuất màn hình phẳng đánh dấu lợi nhuận tăng trở lại trong quý vừa qua, sau khi kinh doanh thua lỗ quý thứ sáu liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 25/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 205,57 điểm (+0,67%), lên 31.269,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,87 điểm (+0,40%), lên 2.974,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 93,80 điểm (+0,55%), lên 17.085,33 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,34 điểm (-0,85%), xuống 2.363,17 điểm.

Giá dầu thô tăng mạnh trở lại do ngại xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khắp Trung Đông, nhưng mức tăng được chặn lại phần nào nhờ tồn kho dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.

Kết thúc phiên 25/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,65 USD/thùng (+1,97%), lên 85,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,06 USD/thùng (+2,34%), lên 90,13 USD/thùng.

Tin bài liên quan