Sau 2 phiên bán tháo cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhà đầu tư đã dần quay trở lại với cổ phiếu, giúp phố Wall phục hồi trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu khiến đà phục hồi của phố Wall chỉ khiêm tốn.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế kỳ vọng bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 sẽ có thêm 224.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn ở mức 5,4%. Mức trên 200.000 việc làm cũng là dự báo của một số chuyên gia khác, cũng như trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Theo các nhà phân tích, nếu con số lên tới 300.000 gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6.
Ngoài con số việc làm, hiện con số khác cũng đang được rất quan tâm là tăng lương. Nếu lương tăng lên sẽ có tác động làm tăng lạm phát và đó là lý do để Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất sớm, chứ không trì hoãn đến cuối năm như mong muốn của các nhà đầu tư.
Một số liệu khác cũng vừa công bố, thất nghiệp theo mua vừa được điều chỉnh tăng thêm 3.000 cho tuần kết thúc vào ngày 2/5, lên mức 265.000 người, theo công bố của Bộ Lao động Mỹ. Trước đó, con số được đưa ra là 262.000 người, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2000.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 82,08 điểm (+0,46%), lên 17.924,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,85 điểm (+0,38%), lên 2.088,0 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,9 điểm (+0,53%), lên 4.945,54 điểm.
Chứng khoán châu Âu chịu ảnh hưởng bởi phiên bán tháo trên thị trường trái phiếu phiên trước đó, nên đồng loạt giảm trong phiên sáng. Tuy nhiên, việc đồng euro hạ nhiệt trở lại từ mức cao 10 tuần cũng góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế xuất khẩu như Đức, giúp thị trường khu vực nỗ lực phục hồi vào phiên chiều. Dù vậy, tậm lý thận trọng trước dữ liệu việc làm của Mỹ khiến chứng khoán châu Âu bị phân hóa vào cuối phiên, chỉ có chứng khoán Đức đóng cửa trong sắc xanh, còn chứng khoán Anh và Pháp giảm điểm.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,79 điểm (-0,67%), xuống 6.886,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 57,82 điểm (+0,51%), lên 11.407,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,37 điểm (-0,29%), xuống 4.967,22 điểm.
Trên thị trường châu Á, chứng khoán Nhật Bản giao dịch trở lại sau 3 ngày nghỉ đã bị dội gáo nước lạnh với mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng do bị ảnh hưởng bởi làn sóng bán tháo trái phiếu và cổ phiếu trên phố Wall. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp do ảnh hưởng của thông tin các công ty môi giới chứng khoán siết quy định cho vay margin.
Bình luận về thông tin này, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, đó chỉ là thông tin và kiến nghị được các chuyên gia đưa ra tại một buổi hội thảo, không phải yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tuyên bố này sau đó đã bị xóa khỏi tài khoản của cơ quan này trên Weibo mà không rõ lý do. Điều này khiến cho nhà đầu tư tin rằng, đây là dấu hiệu cho sự thay đổi chính sách với thị trường chứng khoán, nên đồng loạt bán ra, kéo chứng khoán đại lục giảm gần 3% và chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 1%.
Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 239,64 điểm (-1,23%), xuống 19.291,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,94 điểm (-1,27%), xuống 27.289,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 117,05 điểm (-2,77%), xuống 4.112,21 điểm.
Khi cơ hội đên như đồng USD giảm xuống mức thấp hơn 2 tháng và giá dầu lên mức cao nhất năm trong phiên thứ Tư, giá vàng không nắm bắt được, mà đóng cửa trong sắc đỏ, nên không khó hiểu khi giá kim loại quý này giảm mạnh hơn trong phiên thứ Năm khi đồng USD hồi phục và giá dầu giảm sâu trở lại. Hiện nhà đầu tư đang tập trung vào báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (theo giờ Mỹ).
Kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao ngay giảm 7 USD (-0,59%), xuống 1.184,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 8,1 USD/ounce (-0,68%), xuống 1.182,2 USD/ounce.
Chuỗi tăng ấn tượng của giá dầu và liên tiếp lập đỉnh cao mới của năm đã kết thúc với phiên giảm mạnh hơn 3% trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 7/5, giá dầu thô Mỹ giarm 1,99 USD/thùng (-3,38%), xuống 58,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,23 USD (-3,40%), xuống 65,54 USD/thùng.