Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư nhanh tay bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên thứ Hai (9/9) nhờ lực cầu bắt đáy mạnh mẽ, phục hồi sau một tuần giảm mạnh khi trọng tâm của thị trường trở lại với tỷ lệ cắt giảm lãi suất của Fed vào năm 2024 và báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần.

Hầu hết các cổ phiếu megacap đều hồi phục, với Apple đảo chiều từ mức giảm hơn 1% lên tăng nhẹ 0,04% sau khi diễn ra sự kiện "It's Glowtime" thường niên giới thiệu iphone thế hệ mới (iphone 16).

Dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ yếu hơn dự kiến hôm thứ Sáu tuần trước đã khiến giới đầu tư căng thẳng và lo ngại về tăng trưởng kinh tế đã khiến Nasdaq Composite có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2022, trong khi S&P 500 ghi nhận mức giảm trong một tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2023.

Trong tuần này, thị trường sẽ tập trung theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vào thứ Tư. Những dự báo cho thấy dữ liệu lạm phát này sẽ giảm xuống còn 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trên cơ sở hàng tháng sẽ không thay đổi ở mức 0,2%.

Thị trường tiền tệ hiện nhận thấy 71% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25% trong cuộc họp vào tuần tới và kỳ vọng tổng mức nới lỏng tiền tệ là 1% vào cuối năm nay, theo FedWatch của CME.

Mặt khác, cuộc tranh luận giữa ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris và Cộng hòa Donald Trump vào thứ Ba cũng sẽ được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.

Kết thúc phiên 9/9: Chỉ số Dow Jones tăng 484,18 điểm (+1,20%), lên 40.829,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 62,63 điểm (+1,16%), lên 5.471,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 193,77 điểm (1,16%), lên 16.884,60 điểm.

Chứng khoán châu Âu phục hồi, khi trọng tâm của thị trường chuyển sang khả năng cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,82% lên 510,70 điểm, sau khi giảm 3,5% trong tuần trước đó, tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023.

Dù tăng điểm, nhưng vẫn có những lo lắng về nền kinh tế trong khối, sau khi dữ liệu hôm thứ Hai cho thấy tâm lý nhà đầu tư trong khu vực đồng euro đã giảm tháng thứ ba liên tiếp cho đến hiện tại vào tháng 9 và ghi nhận mức xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Hiện mối quan tâm lớn nhất của thị trường là quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm. Thị trường dự đoán ECB sẽ giảm lãi suất 0,25%. Thêm vào đó, bất kỳ tín hiệu nào từ bài phát biểu của Chủ tịch ECB Christine Lagarde về khả năng cắt giảm thêm trong năm nay cũng sẽ được chú ý.

Ngoài các cuộc họp của ngân hàng trung ương, một loạt dữ liệu kinh tế cũng đang được chờ đợi, bao gồm số liệu lạm phát từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, và tổng sản phẩm quốc nội của Anh.

Kết thúc phiên 9/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 89,37 điểm (+1,09%), lên 8.270,84 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 141,66 điểm (+0,77%), lên 18.443,56 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 72,96 điểm (+0,99%), lên 7.425,26 điểm.

Giá dầu thô hồi phục do lo ngại cơn bão dự kiến đổ bộ vào Louisiana, Mỹ trong ngày mai sẽ làm gián đoạn nguồn cung.

Kết thúc phiên 9/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,04 USD (+1,5%), lên 68,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,78 USD (+1,1%), lên 71,84 USD/thùng.

Tin bài liên quan