Hơn 100 nhà đầu tư đã tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Hơn 100 nhà đầu tư đã tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Giới đầu tư Mỹ muốn chọn Việt Nam

Đang có nhiều thông tin về trở ngại trong việc phê chuẩn và thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng với giới đầu tư Mỹ, đây không phải là rào cản cho các kế hoạch kinh doanh của họ.     

TPP là động lực, không phải là rào cản

Cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và nhóm các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) đã kết thúc tuần trước tại Mỹ, trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư (theo lời mời của Ngân hàng Thế giới - WB và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc - UNDP).

Nhưng, với đại diện của nhóm nhà đầu tư trên, gồm Tập đoàn Quản lý tài sản trò chơi toàn cầu (GGAM); Tập đoàn Truyền thông Rogich (RCG) và Tập đoàn Steelman Partners, thì công việc mới thực sự bắt đầu. Bởi, sau cuộc làm việc, ý tưởng về dự án đầu tư phát triển một tổ hợp gồm Tòa tháp tài chính TPP (văn phòng, thương mại - dịch vụ), chung cư cao cấp, các khu thương mại - dịch vụ, bán lẻ, khu khách sạn nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp, nhà hát Opera; trung tâm hội nghị tiệc cưới, khu trình diễn - triển lãm nghệ thuật, phố đi bộ, bến du thuyền... tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) của họ trở nên rõ nét hơn. Theo đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lịch làm việc với các cơ quan chức năng của TP.HCM sẽ là phần công việc tới đây của nhóm nhà đầu tư này.

Tương tự, Quỹ Harbinger Capital Harbinger (chủ sở hữu chính của Tập đoàn Asian Coast Development Ltd (ACDL), chủ đầu tư vào Dự án Khu nghỉ mát tích hợp Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD), Coca-Cola, Tập đoàn Metlife (công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hoa Kỳ), Visa hay Mastercard… sẽ bận rộn với các lịch làm việc mới, khi trong các cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư mở rộng luôn là chủ đề trọng tâm được đặt ra. Thậm chí, Quỹ Harbinger đã tiết lộ mối quan tâm đến Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời kỳ vọng sẽ phát triển và xây dựng một sân bay riêng, giúp kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương khác…

Có vẻ như thông tin về trở ngại nhất định trong việc phê chuẩn và thông qua TPP không khiến giới đầu tư, kinh doanh Mỹ chùn chân trong các kế hoạch tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam.

Thậm chí, tại buổi Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ được tổ chức trong chuyến làm việc, ý định mở rộng, đầu tư mới và tham gia vào thị trường Việt Nam được thông tin rất rõ nét. Một số dự án mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghệ thông tin cũng đã được các nhà đầu tư trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Đối với họ, môi trường đầu tư ở Việt Nam với những cải thiện mạnh mẽ theo dòng chảy hội nhập kinh tế đang là điểm đến không thể bỏ qua trong các kế hoạch kinh doanh. Ngay cả Đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman khi trao đổi về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và tiến trình chuẩn bị và thông qua TPP cũng cho rằng, Hiệp định TPP có ý nghĩa về kinh tế, sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước, nên dù còn có nhiều tranh luận, ông vẫn tin mọi việc sẽ thuận lợi.

Môi trường đầu tư Việt Nam lên điểm

Vốn được nhìn nhận là đội tinh nhuệ nhất trong giới đầu tư toàn cầu, giới đầu tư Mỹ thường không bỏ qua cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nào. Việc chọn Việt Nam trong bối cảnh hiện tại cho thấy niềm tin của họ vào những cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam về một chính phủ kiến tạo, liêm chính, chuyển dần từ quản lý sang phục vụ, lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển trong giai đoạn tới.

Họ có nhiều lý do để tin tưởng. Hơn 100 nhà đầu tư Mỹ khi tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ, do Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi nhiều về những thay đổi thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam đang được hoàn thiện, đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài và thuận lợi trong việc tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông tin về việc Việt Nam tăng điểm ở một số chỉ tiêu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh - Doing Business 2017 mà WB vừa hoàn tất cũng có đánh giá của giới đầu tư - kinh doanh Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Năm nay, với điểm số 62,1/100, Việt Nam đứng ở thứ hạng 90/189, đạt tiến bộ về chỉ tiêu xin giấy phép xây dựng, khởi nghiệp, vay vốn…

Tất nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần phải cải thiện. Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh,  các chỉ tiêu về thủ tục phá sản, bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Đây cũng là lý do Chủ tịch Công ty BowerAsia đề nghị với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khôi phục lại hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam, hoặc xây dựng các sáng kiến tương tự nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng, việc Việt Nam vẫn kiên định tiến trình đổi mới, hội nhập, phát triển nhanh, bền vững và mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ như cam kết của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ mới thực sự là điều giới đầu tư quan tâm.

Tin bài liên quan