Phố Wall bước vào phiên giao dịch thứ Ba với một số thông tin tác động, nhưng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng trong tháng 7 lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng giá nhà ở giảm 0,3% trong tháng trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, giảm thấp hơn kỳ vọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga trong lĩnh vực năng lượng, vũ khí và tài chính.
Ngoài ra, FED cũng bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Trong cuộc họp lần này, các thông tin kinh tế sẽ không được FED cập nhật và cũng không có cuộc họp báo của Chủ tịch FED Janet Yellen sau cuộc họp. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán, FED sẽ cắt giảm thêm 10 tỷ USD/tháng trong gói kích thích kinh tế của mình. Ngoài ra, với tỷ lệ lạm phát của Mỹ giảm xuống trong tháng qua và áp lực lạm phát gia tăng, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Những thông tin trên, cùng với triển vọng của ngành chuyển phát nhanh tiêu cực đã ảnh hưởng mạnh tới phố Wall trong phiên giao dịch thứ Ba. Công ty United Parcel Service, công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới hạ dự báo lợi nhuận trong năm nay, đồng thời công bố lợi nhuận quý II thấp hơn dự báo.
Sau thông tin này, nhóm cổ phiếu vận tải đã đồng loạt giảm và kéo hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu viễn thông, nên đà giảm của các chỉ số chính của phố Wall được chặn lại.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones giảm 70,48 điểm (-0,42%), xuống 16.912,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,96 điểm (-0,45%), xuống 1.969,95 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,21 điểm (-0,05%), xuống 4.442,70 điểm.
Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại có phiên tăng điểm tốt trong ngày thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường này. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng phán ứng tích cực với thông tin niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2010.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,68 điểm (+0,29%), lên 6.807,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 55,46 điểm (+0,58%), lên 9.653,63 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 20,81 điểm (+0,48%), lên 4.365,58 điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên tăng điểm ấn tượng. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 6 tháng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của Nissan Motor Co và đồng yên giảm so với đồng USD.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 88,67 điểm (+0,57%), lên 15.618,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 211,90 điểm (+0,87%), lên 24.640,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 5,24 điểm (+0,24%), lên 2.183,19 điểm.
Bước vào phiên sáng nay, chứng khoán Nhật Bản nhận thông tin quan trọng. Theo đó, dữ liệu phát hành vào đầu hôm thứ Tư cho thấy, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 3,3% trong tháng 6 do các công ty hạn chế sản xuất do hàng tồn kho lớn, nhưng các nhà sản xuất hy vọng sản lượng sẽ tăng trong những tháng tới, vì vậy, Nikkei 225 vẫn giữ được đà tăng nhẹ khi mở cửa phiên sáng nay.
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch châu Á, đặc biệt là phiên châu Âu khi giới đầu tư lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây khi cả Mỹ và EU đều áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ được khoảng 2 tiếng, giá vàng rơi mạnh do lệnh bán lớn xuất hiện. Giá vàng sau đó đi ngang ở dưới mốc 1.300 USD/ounce khi đồng USD tăng mạnh, cùng thông tin tích cực về chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 được công bố.
Kết thúc phiên 29/7, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD (-0,36%), xuống 1.298,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5 USD (-0,38%), xuống 1.298,3 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 7 do ảnh hưởng của nhu cầu yêu từ châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent lại đảo chiều tăng nhẹ trở lại khi căng thẳng Nga và phương Tây gia tăng.
Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,70 USD (-0,69%), xuống 100,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,15 USD (+0,14%), lên 107,72 USD/thùng.