Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư lưỡng lự với dữ liệu kinh tế

(ĐTCK) Các dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố trái chiều làm giới đầu tư lưỡng lự khiến phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ. Dù vậy, các chỉ số chứng khoán toàn cầu trong tháng 2 vẫn có tháng tăng mạnh nhất trong nhiều năm.

Theo dữ liệu vừ công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2014 được điều chỉnh xuống 2,2% từ mức công bố sơ bộ ban đầu là 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% trong quý III, nhưng cao hơn con số 2,1% như dự đoán trước đó của giới phân tích.

Sau dữ liệu GDP quý IV/2014, giới đầu tư đang hướng tới tốc độ tăng trưởng trong quý I/2015. Theo dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục có quý tăng trưởng, nhưng với ảnh hưởng của các đợt bão tuyết lớn và giá dầu giảm, mức tăng trưởng sẽ bị hạn chế đi ít nhiều.

Điều này được thể hiện khi theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số hoạt động kinh doanh tại miền Trung Tây Mỹ trong tháng 2/2015 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009.

Tuy nhiên, doanh số bán nhà hình thành trong tương lai tăng lên mức cao nhất 1 năm rưỡi trong tháng 1, trong khi một báo cáo khác cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2 do Đại học Michigan tiến hành là 95,4, giảm từ mức cao nhất 11 năm là 98,1 trong tháng Giêng, nhưng vẫn cao hơn mức mong đợi là 93,4.

Dù có một số yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, nhưng với việc niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức cao, cũng như sự cải thiện mạnh mẽ trong thị trường lao động và tiền lương, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Dù vậy trước mắt, với các thông tin vừa công bố, phố Wall đã chịu tác động tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ. Việc cổ phiếu Apple giảm trở lại đã tác động không nhỏ tới các chỉ số.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Dow Jones giảm 81,72 điểm (-0,45%), xuống 18.132,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,24 điểm (-0,30%), xuống 2.104,50 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,36 điểm (-0,49%), xuống 4.963,53 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,04%, S&P 500 giảm 0,27%, trong khi Nasdaq tăng 0,15%. Trong tháng 2, chỉ số Dow Jones tăng 5,64%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2013, trong khi S&P 500 tăng 5,49%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2011 và Nasdaq tăng 7,08%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2000.

Trong khi phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ, thì chứng khoán châu Âu lại có phiên giao dịch tích cực và đóng cửa ở mức cao nhất 7 năm nhờ các thông tin từ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Các bluechip như Airbus, Bank of Ireland International Airlines Group…

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, khoảng 2/3 mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK châu Âu đã đi qua, trong đó có 55% công ty đáp ứng hoặc vượt dự báo lợi nhuận, giúp lợi nhuận quý IV/2014 của các doanh nghiệp này tăng trưởng 14,9%. Đây có thể là mùa thu nhập tốt nhất trong 3 năm rưỡi của các doanh nghiệp niêm yết châu Âu.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,07 điểm (-0,04%), xuống 6.946,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 74,47 điểm (+0,66%), lên 11.401,66 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,86 điểm (+0,83%), lên 4.951,48 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,45%, chỉ số DAX tăng 3,18% và chỉ số CAC 40 tăng 7,54%. Trong tháng 2, mức tăng của các chỉ số này lần lượt là 2,92%, 6,61% và 7,54%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng để giữ ở mức cao nhất 15 năm, dù mức tăng trong phiên cuối tuần rất khiêm tốn. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản lạc quan với dữ liệu công nghiệp, trong khi thị trường đang chờ đợi quỹ hưu trí lớn nhất Nhật Bản công bố danh mục phân bố tài sản của mình.

Trong khi đó, dù chứng khoán đại lục tiếp tục duy trì đà tăng với dữ liệu kinh tế tích cực được công bố trước đó, cũng như kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trong tương lại, nhưng không đủ sức để kéo chứng khoán Hồng Kông duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 12,15 điểm (+0,06%), lên 18.797,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,77 điểm (-0,32%), xuống 24.823,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 11,94 điểm (+0,36%), lên 3.310,30 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,54%, chỉ số Shanghai Composite với 2 phiên giao dịch cũng tăng 1,95%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 0,04%. Trong tháng 2, các chỉ số này đều tăng với mức tăng lần lượt là 6,36%, 3,11% và 1,29%.

Trên thị trường vàng, giá vàng tăng vọt ngay khi bắt đầu bước vào phiên giao dịch Mỹ do thông tin về GDP quý IV/2014 của Mỹ được điều chỉnh giảm từ 2,6% xuống 2,2%, cũng như thông tin kém tích cực từ miền Trung Tây Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, các dữ liệu kinh tế khả quan khác được công bố như niềm tin người tiêu dùng, doanh số bán nhà chưa xong… đã chặn đà tiến của giá vàng, khiến giá kim loại quý này hạ nhiệt dần về cuối phiên.

Kết thúc phiên 27/2, giá vàng giao ngay tăng 4,5 USD (+0,37%), lên 1.213,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 3 USD/ounce (+0,25%), lên 1.213,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,81% và giá vàng giao tháng 4 tăng 0,46%. Tuy nhiên, trong tháng 2, giá vàng giảm mạnh với mức giảm lần lượt 5,41% và 5,17%.

Nhận định về xu hướng tuần tới, các nhà phân tích cho rằng, tuần tới có thể là tuần tích cực cho thị trường vàng.

Bart Melek, Chiến lược gia trưởng bộ phận hàng hóa tại TD Securities cho biết, các số liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ được bắt đầu năm mới ra chậm hơn so với dự kiến. Có những rủi ro với các dữ liệu kinh tế tiếp tục thất vọng và điều đó sẽ thay đổi kỳ vọng tăng lãi suất của Fed.

Ông nói thêm rằng có những rủi ro mà các dữ liệu kinh tế tiếp tục thất vọng và điều đó sẽ thay đổi kỳ vọng khi Fed sẽ có thể tăng lãi suất.

“Ngưỡng hỗ trợ 1.192 USD/ounce rất mạnh và tôi nghĩ rằng có thể giữ vào tuần tới", Melek nói và nhận định, nếu giá vàng vượt qua được ngưỡng 1.216 USD/ounce, thì sẽ hướng tới việc thử nghiệm mốc 1.230 USD/ounce.

Tương tự, Colin Cieszynski, nhà phân tích thị trường cao cấp tại CMC Markets cũng là lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Theo Cieszynski sau khi mối lo về địa chính trị và vấn đề Hy Lạp được tạm ổn, thì thị trường sẽ hướng vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với chính sách nới lỏng định lượng.

"ECB cho biết, họ sẽ khởi động chương trình mua trái phiếu của họ trong tháng 3 và cũng là tuần tới," ông nói

Cùng quan điểm, George Gero, Phó chủ tịch và chiến lược gia kim loại quý của RBC Capital Markets Global Futures đánh giá, vàng vẫn tăng trong tuần tới, vì vẫn còn chưa rõ ràng vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất. Các thông tin từ Chủ tịch Fed Janet Yellen đưa ra trước phiên điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba và thứ Tư mang tính nước đôi.

Gero nói rằng, các dữ liệu phát hành vào tuần tới sẽ rất quan trọng và qua đó, các nhà kinh tế sẽ đánh giá về khả năng tăng lãi suất của Fed. Trong đó, báo cáo được xem là có ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định của Fed là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu (6/3). Các nhà kinh tế cho đến nay đang mong đợi để xem một báo cáo mạnh mẽ, với dự báo bảng lương phi nông nghiệp sẽ có thêm 241.000 việc làm.

Trên thị trường dầu mỏ, sau phiên lao dốc mạnh ngày thứ Năm do lo ngại dư cung, giá dầu đã nhanh chóng tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần. Trong khi giá dầu thô Mỹ lấy lại được hơn nửa con số đã mất trong phiên trước đó, thì giá dầu thô Brent đòi lại gấp đôi để kết thúc tuần với mức tăng khá.

Kết thúc phiên 27/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,59 USD/thùng (+3,3%), lên 49,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,53 USD (+4,21%), lên 62,58 USD/thùng.

Trong tuần, trong khi giá dầu thô Mỹ giảm 1,15%, thì giá dầu thô Brent tăng tới 3,92%. Trong tháng 2, giá dầu thô Brent cũng có mức tăng ấn tượng 27,38%, trong khi giá dầu thô Mỹ chỉ tăng 3,15%.

Tin bài liên quan