Đức, Hàn Quốc số ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh khi các nước bỏ lệnh giãn cách xã hội, và thậm chí tại Vũ Hán, Trung Quốc cũng xuất hiện các ca nhiễm mới khiến giới đầu tư lo sợ về đợt bùng phát thứ 2 nên bán mạnh trong phiên đầu tuần, đẩy phố Wall giảm điểm.
Tuy nhiên về cuối phiên, với kỳ vọng nền kinh tế mở cửa trở lại đã giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục dần, trong đó S&P và Nasdaq lấy lại được sắc xanh, còn Dow Jones hãm đà rơi.
Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 109,33 điểm (-0,45%), xuống 24.221,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,52 điểm (+0,02%), lên 2.930,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 71,02 điểm (+0,78%), lên 9.192,34 điểm.
Nỗi lo đợt bùng phát dịch thứ 2 khi số ca nhiễm tại Đức tăng vọt sau khi bỏ giãn cách xã hội khiến chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 11/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,75 điểm (+0,06%), lên 5.939,73 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 79,49 điểm (-0,73%), xuống 10.824,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 59,42 điểm (-1,31%), xuống 4.490,22 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, hy vọng vào việc mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tăng khá tốt trong phiên đầu tuần mới, trong khi chứng khoán Trung Quốc không duy trì được đà tăng khi Vũ Hán bất ngờ xuất hiện ca nhiễm Covid mới. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm điểm khi dữ liệu xuất nhập khẩu của nước này yếu kém.
Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 211,57 điểm (+1,05%), lên 20.390,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,54 điểm (-0,02%), xuống 2.894,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 371,89 điểm (+1,53%), lên 24.602,06 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 10,42 điểm (-0,54%), xuống 1.935,40 điểm.
Việc giá dầu thô giảm, cùng đồng USD tăng khiến giá vàng không thể trở lại mà tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 11/5, giá vàng giao giảm 5,7 USD (-0,33%), xuống 1.697,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 15,9 USD (-0,93%), xuống 1.698,0 USD/ounce.
Nỗi lo đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid khi các nước bỏ giãn cách xã hội khiến giá dầu thô quay đầu giảm trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 11/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,6 USD (-2,49%), xuống 24,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,34 USD (-4,52%), xuống 29,63 USD/thùng.