Phố Wall giảm mạnh phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall giảm mạnh phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư lo sợ bất chấp dữ liệu kinh tế khả quan

(ĐTCK) Dữ liệu doanh số bán lẻ Mỹ tăng mạnh trong tháng 4 không thể khỏa lấp tâm lý lo lắng của giới đầu tư, khiến phố Wall có phiên giảm mạnh, trong khi vàng hồi phục, bất chấp đồng USD lên cao nhất 3 tuần.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 4 được công bố tốt hơn dự đoán, với mức tăng 1,3%, so với dự báo là 0,8%, mức cao nhất 1 năm.

Thông tin này giúp phố Wall mở cửa phiên cuối tuần khá tích cực. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng bị chặn lại và các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt quay đầu giảm mạnh khi giá dầu quay đầu giảm giá và kết quả kinh doanh của Nordstrom và J.C. Penney ảm đảm, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu của các công ty tiêu dùng.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 185,18 điểm (-1,05%), xuống 17.535,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,5 điểm (-0,85%), xuống 2.046,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,66 điểm (-0,41%), xuống 4.717,68 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến phố Wall có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,16%, chỉ số S&P 500 giảm 0,51% và chỉ số Nasdaq giảm 0,39%.

Chứng khoán châu Âu đang chìm trong sắc đỏ, thì bất ngờ cuối phiên nhận được thông tin tích cực từ Mỹ đã đảo chiều đi lên và có được phiên tăng điểm cuối tuần. Ngoài ra, việc đồng euro giảm so với đồng USD cũng hỗ trợ cho chứng khoán khu vực tăng trở lại, bởi đồng euro giảm sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của châu Âu.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,31 điểm (+0,56%), lên 6.138,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,78 điểm (+0,92%), lên 9.952,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,72 điểm (+0,62%), lên 4.319,99 điểm.

Với phiên tăng điểm cuối tuần đã cứu chứng khoán châu Âu tránh được tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,21%, chỉ số DAX tăng 0,84% và chỉ số CAC 40 hồi phục 0,44%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi tăng giá ấn tượng 4 phiên liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản đã bị chốt lời trong phiên cuối tuần. Cùng với đó, lo lắng về việc đồng yên tăng trở lại so với đồng USD cũng khiến giới đầu tư dứt khoát hơn trong việc bán cổ phiếu, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 1,4% cuối tuần.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 2 tháng, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần khi nỗi lo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 234,13 (-1,41%), xuống 16.612,21  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 203,06 (-1,02%), xuống 19.712,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,75 điểm (-0,31%), xuống 2.827,11 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,14%, chỉ số Hang Seng giảm 1,98% và chỉ số Shanghai Composite giảm 2,96%.

Dữ liệu kinh tế tích cực khiến đồng USD tăng mạnh trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất 3 tuần. Dù vậy, với việc phố Wall bị bán mạnh, giá vàng đã được hỗ trợ để có phiên phục hồi khá tích cực trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, phiên hồi phục này chỉ giảm bớt phần nào thiệt hại, chứ không giúp giá vàng có tuần tăng giá.

Kết thúc phiên 13/5, giá vàng giao ngay tăng 9,6 USD (+0,76%), lên 1.272,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,1 USD (+0,24%), lên 1.274,3 USD/ounce.

Với sức mạnh của đồng USD, giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 với mức giảm mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 1,16% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,19%.

Dù có 2 tuần giảm liên tiếp, nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn khá lạc quan, trong khi giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn rất nhiều.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 663 người tham gia, trong đó có 458 người, chiếm 69% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 124 người, chiếm 19% dự báo giá sẽ giảm và 81 người, chiếm 19% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 26 chuyên gia trả lời, có 13 chuyên gia, chiếm 50% dự đoán giá vàng sẽ giảm tiếp trong tuần tới, 9 chuyên gia, chiếm 35% có cái nhìn lạc quan và 4 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.

Việc đồng USD lên mức cao nhất 3 tuần, cùng với áp lực chốt lời đã khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 13/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,49 USD (-1,06%), xuống 46,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,25 USD (-0,52%), xuống 47,83 USD/thùng.

Với chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp tuần qua và chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần, giá dầu thô đã lấy lại hết những gì đã mất trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,47% và giá dầu thô Brent tăng 5,42%.

Tin bài liên quan