Dữ liệu vừa công bố khiến giới đầu tư lo lắng, sự phục hồi của kinh tế Mỹ chỉ là ngắn hạn (Ảnh minh họa: AFP)

Dữ liệu vừa công bố khiến giới đầu tư lo lắng, sự phục hồi của kinh tế Mỹ chỉ là ngắn hạn (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư lo lắng, chứng khoán rung lắc, giá vàng hồi sinh

(ĐTCK) Lo lắng về khả năng phục hồi kinh tế thiếu bền vững của Mỹ, cũng như khả năng Brexit khiến chứng khoán rung lắc, trong khi giá vàng hồi sinh trong phiên thứ Ba.

Theo dữ liệu vừa công bố, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 tăng hơn 1%, lên mức cao nhất 6 năm do các gia đình đẩy mạnh việc mua xe ô tô. Bên cạnh đó, giá nhà ở của Mỹ cũng tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng.

Tuy nhiên, niềm tin tiêu dùng và sản xuất vùng trung Tây ảm đạm, làm tăng lo ngại về việc phục hồi kinh tế vừa qua chỉ là ngắn hạn.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu để dự đoán khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 14 và 15/6 này.

Tuy nhiên, với dữ liệu kinh tế vừa công bố, giới đầu tư trở nên thận trọng hơn, cùng với việc giá dầu đảo chiều giảm giá, khiến phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ Nasdaq duy trì được sắc xanh.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Dow Jones giảm 86,02 điểm (-0,48%), xuống 17.787,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,1 điểm (-0,10%), xuống 2.096,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,55 điểm (+0,29%), lên 4.948,05 điểm.

Trong tháng 5, Dow Jones tăng nhẹ 0,08%, S&P 500 tăng 1,53%, trong khi Nasdaq tăng mạnh 3,62%.

Cũng giống như phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba khi một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, số người Anh ủng hộ việc rời khỏi EU đã vượt lên. Nếu “Brexit” (Anh rời khỏi EU) xảy ra, sẽ gây nên sự bất ổn trong các thị trường và do đó, nhà đầu tư có lý do để lo lắng. Tuy nhiên, trong tháng 5, cũng giống chứng khoán Mỹ, Nhật, hiện tượng “Sell in May” đã không xảy ra trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40 điểm (-0,64%), xuống 6.230,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 70,49 điểm (-0,68%), xuống 10.262,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,78 điểm (-0,53%), xuống 4.505,62 điểm.

Trong tháng 5, FTSE 100 giảm nhẹ 0,18%, trong khi DAX tăng 2,23% và chỉ số CAC 40 tăng 1,73%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 7 khiến đồng USD tăng mạnh so với đồng yên và qua đó hỗ trợ đắc lực cho chứng khoán Nhật Bản, giúp chỉ số Nikkei 225 có phiên tăng thứ 5 liên tiếp và tháng 5 tăng điểm ấn tượng.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc sau chuỗi giảm liên tiếp cũng có phiên khởi sắc với mức tăng hơn 3,3%, mức tăng lớn nhất trong 3 tháng. Nguyên nhân chứng khoán Trung Quốc khởi sắc chính là báo cáo của Godman Sachs cho rằng, có đến 70% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ vào chỉ số MSCI. Chứng khoán Hồng Kông theo đó cũng được đà để duy trì đà tăng tốt của mình. Tuy nhiên, phiên tăng điểm ấn tượng cuối tháng không giúp chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tránh khỏi tháng giảm điểm trong tháng 5.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 166,96 điểm (+0,98%), lên 17.234,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 185,70 điểm (+0,90%), lên 20.815,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 94,17 điểm (+3,34%), lên 2.916,62 điểm.

Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,41%, trái ngược với Hang Seng giảm 1,2% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,74%.

Niềm tin tiêu dùng và sản xuất vùng trung Tây của Mỹ vừa công bố kém tích cực, cùng với nỗi lo Brexit đã giúp vàng trở lại là kênh đầu tư trú ẩn ưa thích, qua đó giúp giá kim loại quý này hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba sau phiên nghỉ giao dịch đầu tuần.

Kết thúc phiên 31/5, giá vàng giao ngay tăng 10,1 USD (+0,84%), lên 1.215,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.214,8 USD/ounce.

Dù hồi phục trong phiên cuối tháng, nhưng với chuỗi giảm liên tiếp trước đó do nỗi lo khả năng Fed tăng lãi suất, giá vàng đã có 1 tháng đáng quên với mức giảm rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 5, giá vàng giao ngay giảm tới 5,99% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm tới 6,19%.

Giá dầu thô tăng khá tích cực trong phiên thứ Ba trên thị trường châu Á và châu Âu, tuy nhiên, khi bước vào phiên Mỹ, với việc đồng USD tăng mạnh, và khả năng nguồn cung tại Trung Đông sẽ không giảm khiến giá dầu thô quay đầu. Dù vậy, giá nhiên liệu này cũng có tháng tăng ấn tượng trong tháng 5.

Kết thúc phiên 31/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,23 USD (-0,47%), xuống 49,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+1,16%), lên 49,89 USD/thùng.

Trong tháng 5, giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 6,93%, trong khi giá dầu thô Brent khiêm tốn hơn, tăng 3,66%.

Tin bài liên quan