Trước đó, thị trường tài chính đã đặt nghi vấn liên quan tới các cuộc thăm dò dư luận khi thất bại trong việc dự đoán kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay chiến thắng đầy bất ngờ của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11/2016.
Hussein Sayed, nhà chiến lược thị trường tại FXTM nhận định, các nhà đầu tư vốn đã đánh mất niềm tin vào các cuộc thăm dò dư luận thì nay lại coi nguồn tin và kết quả khảo sát này là đáng tin cậy.
Bất kỳ nhà đầu tư nào đặt cược theo kết quả thăm dò và đổ tiền vào thị trường dựa trên kịch bản ông Emmanuel Macron nắm ưu thế lớn nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã thu được lợi ích lớn khi cả thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và đồng Euro đều diễn biến tích cực.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Pháp đã tăng điểm hơn 4% trong phiên đầu tuần, cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu lớn như BNP Paribas hay Deutsche Bank tăng hơn 8%, đồng thời giá Euro so với USD tăng cao, 1 Euro đổi được 1,09 USD, mức giao dịch trong ngày cao nhất trong gần một năm qua.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, nếu ông Emmanuel Macron tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai thì đây sẽ là tin rất tốt cho thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng, bởi lẽ nguy cơ Pháp rời khỏi EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ được loại bỏ.
Chia sẻ quan điểm này, ông Antoine Lesne - người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu và tư vấn chiến lược toàn cầu tại State Street Global Advisors nhận định, kết quả bầu cử vòng một với sự dẫn đầu của ông Macron đã giúp thị trường phần nào giải tỏa nguy cơ Frexit (tức Pháp rời khỏi EU), ít nhất trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, ông Macron từng là một quan chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư nên ông có chủ trương bãi bỏ các quy định thắt chặt khu vực tài chính. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, song nó vẫn chưa cho thấy rõ những chính sách ủng hộ của ông sẽ được thực thi như thế nào nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối cùng. Hiện tại, những quy định trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung được giới quan sát đánh giá là “khắc nghiệt” nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Dự báo về kết quả của vòng hai sắp tới, các nhà phân tích vẫn nghiêng về khả năng giành chiến thắng của ông Macron so với bà Le Pen. Ở chiều ngược lại, thị trường châu Âu có thể chấn động mạnh nếu bà Le Pen giành chiến thắng và cú sốc này thậm chí có thể còn lớn hơn so với Brexit (Anh quyết định rời khỏi EU), bởi lẽ đây giống như một cuộc bầu cử của châu Âu trong bối cảnh môi trường chính trị “lục địa già” đang bị chia rẽ sâu sắc hiện nay. Một chính phủ Pháp từ bỏ EU và đồng Euro sẽ là một cú sốc chính trị với các thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Pháp còn chưa ngã ngũ, các nhà đầu tư được khuyến nghị phải để mắt tới cuộc tổng tuyển cử sớm tại Anh vào ngày 8/6 và cuộc bầu cử tại Đức trong tháng 9.
“Các chương trình nghị sự và lịch trình chính trị sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong thời gian tới. Không thể phủ nhận sự liên quan chặt chẽ của nó với mọi quyết định của giới đầu tư, song các yếu tố chính trị tại châu Âu sẽ chỉ có thể tạo ra các đợt sóng và rủi ro tâm lý trong ngắn hạn”, các nhà phân tích của Citi nói.