Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được kết nối trở lại và nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạm lắng và cũng đã được hấp thụ hết, thì phố Wall lại chịu tác động tiêu cực từ đà lao dốc của giá dầu khi Nga và Ả Rập Xê út có khả năng thỏa thuận để tăng sản lượng trong tháng 6 tới.
Chính đà lao dốc của giá dầu khiến Dow Jones và S&P 500 giảm điểm trong phiên cuối tuần trước. Sau phiên ngày lễ tưởng niệm đầu tuần (28/5), phố Wall giao dịch trở lại trong ngày thứ Ba đã đồng loạt giảm mạnh, trong đó Dow Jones và S&P có phiên giảm mạnh nhất trong 1 tháng.
Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Ba do giới đầu tư lo ngại về tình tình Italia khi nợ công của nước này ngày một tăng trong khi chính trị đang gặp khủng hoảng khi ông Giuseppe Conte tuyên bố từ chối làm Thủ tướng do Tổng thống Sergio Mattarella từ chối phê chuẩn cho ông Paolo Savona năm nay 81 tuổi và là một nhân vật nổi tiếng vì quan điểm bài châu Âu làm Bộ trưởng Kinh tế.
Với việc không thành lập được chỉnh phủ, lãnh đạo hai đảng liên minh là Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 sao đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Italy, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Thậm chí, còn kêu gọi phế truất Tổng thống Mattarella.
Trong phiên này, nhóm cổ phiếu của các ngân hàng lớn giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley khi lãnh đạo JPMorgan Chase cho biết, doanh thu quý II sẽ không tăng trưởng, còn Morgan Stanley cho biết hoạt động của Ngân hàng đã chậm lại kể từ tháng 3.
Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones giảm 391,64 điểm (-1,58%), xuống 24.361,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,47 điểm (-1,16%), xuống 2.689,86 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 37,26 điểm (-0,50%), xuống 7.396,59 điểm.
Cuộc khủng hoảng tại Italia đã khiến chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên thứ Ba, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh do trái phiếu Italia bị bán tháo. Riêng chỉ số chứng khoán Italia có phiên giảm tồi tệ nhất 21 tháng, xuống mức thấp nhất 10 tháng.
Kết thúc phiên 29/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 97,64 điểm (-1,26%), xuống 7.632,64 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 196,95 điểm (-1,53%), xuống 12.666,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 70,87 điểm (-1,29%), xuống 5.438,06 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về tình hình tại Italia sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực châu Âu và khủng hoảng có thể lan rộng ra thế giới khiến chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng giảm khá mạnh, trong đó chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất 1 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiên giảm thứ 5 liên tiếp khi chính phủ nước này thắt chặt điều kiện tín dụng khiến nhiều tập đoàn lớn của nước này gặp khó khăn về trả nợ, trong đó hậu quả đầu tiên là Tập đoàn Hóa chất và Dự trữ Năng lượng Trung Quốc (CERCG) cho biết không thể hoàn trả khoản trái phiếu 350 triệu USD đã đáo hạn vào đầu tháng này.
Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 122,66 điểm (-0,55%), xuống 22.358,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 307,68 điểm (-1,00%), xuống 30.484,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,62 điểm (-0,47%), xuống 3.120,46 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động và giằng co rất mạnh quanh mức giá của ngày trước đó do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng Italia, trong khi đồng USD lại tăng vọt lên mức cao nhất 5 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 29/5, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD (+0,09%), lên 1.298,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 1,5 USD/ounce (+0,12%), lên 1.299,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm sâu do lo ngại về khả năng Nga và OPEC sẽ ngừng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,15 USD (-1,69%), xuống 66,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,12%), lên 75,9 USD/thùng.