Phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần mới khi cổ phiếu Apple giảm mạnh 2,2% sau khi nhà môi giới Rosenblatt Securities hạ mức đánh giá với cổ phiếu của “táo khuyết” xuống mức BÁN từ mức TRUNG LẬP trước đó.
Ngoài ảnh hưởng từ cổ phiếu Apple, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng chịu ảnh hưởng bởi khả năng Fed giảm lãi suất sớm trong tháng 7 này đã ít đi sau dữ liệu việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 115,98 điểm (-0,43%), xuống 26.806,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,46 điểm (-0,48%), xuống 2.975,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 63,41 điểm (-0,78%), xuống 8.098,38 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm điểm trong ngày giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước việc Fed khó giảm lãi suất sớm và ảnh hưởng từ đà giảm của cổ phiếu Deutche Bank. Tuy nhiên, mức giảm khiêm tốn hơn nhiều chứng khoán châu Á và Mỹ.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,87 điểm (-0,05%), xuống 7.549,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức 25,02 điểm (-0,20%), xuống 12.543,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,52 điểm (-0,08%), xuống 5.589,19 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường cũng đồng loạt giảm mạnh khi giới đầu tư nhận thấy khó có khả năng Fed sẽ giảm lãi suất sớm sau dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 212,03 điểm (-0,98%), xuống 21.534,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 77,70 điểm (-2,58%), xuống 2.933,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 443,14 điểm (-1,54%), xuống 28.331,69 điểm.
Giá vàng mở cửa phiên châu Á hồi phục trở lại sau phiên lao dốc cuối tuần trước và duy trì đà tăng tốt trong phiên châu Âu. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch Mỹ, giá kim loại quý này lại quay đầu đi xuống và đóng cửa giảm nhẹ khi khả năng Fed giảm lãi suất sớm không cao ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 8/7, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD (-0,22%), xuống 1.395,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 0,1 USD (-0,01%), xuống 1.400,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu giao dịch ổn định khi nỗi lo nhu cầu sụt giảm được bù đắp bởi căng thẳng mới liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran.
Kết thúc phiên 8/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,15 USD (+0,26%), lên 57,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,12 USD (-0,19%), lên 64,11 USD/thùng.