Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư lại có thêm một ngày đáng quên

(ĐTCK) Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu lại có một ngày buồn khi các thị trường đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Phố Wall có ngày giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Ba (20/11) do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng theo đà giảm của giá dầu và nhóm cổ phiếu bán lẻ sau khi các đại gia Target và Kohl công bố kết quả kinh doanh tiêu cực hơn dự báo.

Trong nhóm cổ phiếu FAANG, dù gặp sự cố tại một số nước, nhưng cổ phiếu Facebook vẫn đóng cửa với sắc xanh nhạt 0,67%, Alphabet (Google) tăng nhẹ 0,56%, trong khi các cổ phiếu khác tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, Apple giảm 4,8%, Amazon giảm 1,11%, Netflix giảm 1,34%.

Trong khi đó, cổ phiếu của Target giảm 10,5% sau khi lợi nhuận quý III không như dự báo, Kolh giảm 9,2% sau khi dự báo lợi nhuận cả năm giảm xuống dưới mức kỳ vọng.

Phiên giảm mạnh này khiến Dow Jones và S&P 500 giảm trong năm nay, trong đó Dow Jones giảm khoảng 1% và S&P 500 cũng mất 1,1% so với cuối năm trước.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones giảm 551,80 điểm (-2,21%), xuống 24.465,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 48,84 điểm (-1,82%), xuống 2.641,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 119,65 điểm (-1,70%), xuống 6.908,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên thứ Ba do đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, vấn đề ngân sách của Mỹ và khả năng tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 52,97 điểm (-0,76%), xuống 6.947,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 178,13  điểm (-1,58%), xuống 11.066,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,56 điểm (-1,21%), xuống 4.924,89 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số cũng đồng loạt lao dốc. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất 3 tuần do cổ phiếu Nissan lao dốc sau khi Chủ tịch hãng bị bắt. Chứng khoán Trung Quốc lại có phiên giảm mạnh nhất 3 tuần do nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Hồng Kông cũng mất hơn 2% trong phiên thứ Ba. Tâm lý nhà đầu tư còn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng đang có vẻ gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi 2 bên liên tục có những ám chỉ đổ trách nhiệm cho nhau sau khi APEC lần đầu tiên sau trong 29 của khối không ra được tuyên bố chung.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 238,04 điểm (-1,09%), xuống 21.583,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 57,66 điểm (-2,13%), xuống 2.645,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 531,66 điểm (-2,02%), xuống 25.840,30 điểm.

Trên thị trường vàng, đà lao dốc của chứng khoán lúc đầu tạo động lực để vàng tiếp tục bứt phá, nhưng sau đó giá kim loại quý này đã hạ nhiệt dần và quay đầu giảm cuối phiên Mỹ do đồng USD tăng và ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm. Phiên giảm hôm thứ Ba đã chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp của giá vàng.

Kết thúc phiên 20/11, giá vàng giao ngay giảm 2,8 USD (-0,23%), lên 1.221,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,1 USD/ounce (-0,33%), xuống 1.221,2 USD/ounce.

Giá dầu thô sau 2 phiên lình xình đã quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba khi sản xuất vẫn mạnh và nhu cầu giảm do lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bù đắp cho thông tin Ả Rập Xê út đang thúc đẩy OPEC và các đối tác cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 20/11giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 3,77 USD (-7,06%), xuống 53,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,26 USD (-6,81%), xuống 62,53 USD/thùng.

Tin bài liên quan