Thực tế, ngoài nhịp giảm đầu phiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã phục hồi sau đó, thậm chí S&P 500 và Nasdaq còn có thời điểm vươn lên trên tham chiếu.
Bộ lao động Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tại nước này đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981, trong khi các chuyên gia kinh tế đã dự báo con số chỉ tăng 8,8%.
Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã giảm bớt kể từ giai đoạn khảo sát của báo cáo, CPI lõi giảm còn 5,9%.
Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird ở Louisville, Kentucky cho biết: “Báo cáo CPI là một sự kiện rủi ro lớn, nhưng thị trường đã không biến động quá mạnh trong phiên hôm nay, bởi giới đầu tư đã dự báo về động thái thắt chặt quyết liệt của Fed từ trước, dù bất kể lạm phát có đạt đỉnh hay hạ nhiệt".
Câu hỏi lúc này đáng quan tâm hơn là việc liệu động thái thắt chặt chính sách của Fed có thể kiềm chế lạm phát không và có đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái không dường như đang chuyển sang thực tế rằng “suy thoái kinh tế liệu có thể nghiêm trọng tới mức nào?”.
Nhóm chuyên gia tới từ Bank of America dự báo một cuộc suy thoái nhẹ sẽ xảy ra trong cuối năm nay, khi tăng trưởng GDP thực tế giảm và dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên 4,6% trong năm 2023.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, GDP của Mỹ đã giảm 1,5%, dự kiến GDP sẽ giảm 1,2% trong quý II, theo một ước tính mới nhất từ bộ theo dõi GDPNow của Fed khu vực Atlanta.
Cùng với báo cáo lạm phát, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi báo cáo kết quả kinh doanh quý II, với điểm nhấn phiên này thuộc về Delta Air Lines, khi giá cổ phiếu giảm 4,5%, do công bố lợi nhuận quý II thấp hơn dự kiến, mặc dù Giám đốc điều hành Ed Bastian cho biết nhu cầu đi lại mạnh mẽ sẽ dẫn đến lợi nhuận cả năm "có ý nghĩa".
Các cổ phiếu cùng ngành như United Airlines và American Airlines lần lượt giảm 1% và 3%.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Twitter tăng thêm gần 8%, sau khi khởi kiện tỷ phú Elon Musk vì tranh chấp liên quan tới thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD.
Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones giảm 208,54 điểm (-0,67%), xuống 30.772,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,02 điểm (-0,45%), xuống 3.801,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 17,15 điểm (-0,15%), xuống 11.247,58 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, sau khi lạm phát của Mỹ trong tháng 6 tăng cao hơn dự kiến, làm tăng khả năng Fed sẽ tích cực hơn trong việc tăng lãi suất và đẩy đồng euro xuống dưới mức tương đương với đồng USD.
Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên 9,1% trong tháng 6 do chi phí xăng dầu và thực phẩm vẫn tăng. Một cuộc thăm dò của Reuters đã dự đoán con số chỉ tăng 8,8%.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,94% xuống 413,13 điểm.
Tất cả các ngành chính đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là cổ phiếu du lịch và ô tô, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và cổ phiếu xa xỉ là những ngành trở thành lực cản lớn nhất với STOXX 600.
Hầu hết các ngân hàng trung ương lớn gần đây đều đưa ra tín hiệu kiểm soát lạm phát là ưu tiên trong ngắn hạn, gây áp lực lên các tài sản rủi ro, vì các nhà đầu tư lo ngại việc thắt chặt chính sách tích cực sẽ kìm hãm tăng trưởng.
Khi đồng USD tăng giá, với mức 1 USD đổi một đồng euro lần đầu trong gần hai thập kỷ, gây thêm rắc rối cho lạm phát khu vực đồng euro vốn đã ở mức cao kỷ lục khi xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao.
Điều này làm tăng áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), do cuộc họp sau Fed vào tháng này. ECB được cho là sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỷ trong thời gian tới.
Andrea Cicione, trưởng bộ phận chiến lược của TS Lombard, cho biết: "Sự suy yếu của đồng Euro có thể làm cho vấn đề lạm phát tồi tệ hơn đối với khu vực đồng euro, khi hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Điều này có thể khiến ECB giữ thái độ diều hâu lâu hơn".
Kết thúc phiên 13/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 53,49 điểm (-0,74%), xuống 7.156,37 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 149,16 điểm (-1,16%), xuống 12.756,32 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 43,96 điểm (-0,73%), xuống 6.000,24 điểm.