Kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 0,5% trong cuộc họp diễn ra vào ngày 30-31/7 này, phố Wall tăng điểm khá tốt trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần.
Tuy nhiên, vào những phút cuối phiên Tập chí Wall Street đưa ra báo cáo cho biết, Fed có thể chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 0,25% đã khiến giới đầu tư hụt hẫng, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ.
Theo công cụ thăm dò FedWatch của CME, kỳ vọng về khả năng Fed giảm lãi suất 0,5% trong cuộc họp sắp tới chỉ còn 25% trong ngày thứ Sáu so với mức 75% vào ngày thứ Năm.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones giảm 68,77 điểm (-0,25%), xuống 27.154,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,50 điểm (-0,62%), xuống 2.976,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 60,75 điểm (-0,74%), xuống 8.146,49 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,65%, chỉ số S&P 500 giảm 1,23% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,18%. Như vậy, phố Wall đã chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tăng điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối tháng 7 này. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt do lo ngại về tình hình chính trị tại Ý.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,61 điểm (+0,21%), lên 7.508,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 32,22 điểm (+0,26%), lên 12.260,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 1,8 điểm (+0,03%), lên 5.552,34 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 đảo chiều tăng nhẹ 0,04%, trong khi chỉ số DAX và CAC 40 tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt 0,51% và 0,37%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng về khả năng Fed sẽ giảm lãi suất ở mức 0,5% sau phát biểu của một số quan chức cơ quan này trong ngày thứ Năm, các thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng tích cực và đồng loạt khởi sắc.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 420,75 điểm (+2,00%), lên 21.466,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,02 điểm (+0,79%), lên 2.924,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 303,74 điểm (+1,07%), lên 28.765,40 điểm.
Tuy khởi sắc trong phiên cuối tuần, nhưng với phiên giảm mạnh trước đó, chỉ số Nikkei 225 có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1,01%, trong khi chỉ số Hang Seng lại lấy lại đà tăng 1,03% sau khi điều chỉnh 1,05% tuần trước. Chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 0,22%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Năm với kỳ vọng Fed sẽ giảm mạnh lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 7, giá vàng lình xình trong phiên cuối tuần trên thị trường châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, vào cuối phiên Mỹ, sau báo cáo của Wall Street, giá kim loại quý này quay đầu lao dốc, trả lại hết những gì đã đạt được trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 19/7, giá vàng giao ngay giảm 20,5 USD (-1,42%), xuống 1.425,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,4 USD (-0,1%), xuống 1.426,7 USD/ounce.
Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó do kỳ vọng Fed giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị, giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,66%, giá vàng tương lai tăng 0,63%.
Sau tuần thận trọng trước đó, giới phân tích và đầu tư lại cùng có cái nhìn rất lạc quan trở lại với xu hướng của giá vàng trong tuần mới do căng thẳng địa chính trị và khả năng Fed giảm lãi suất.
Cụ thể, trong 12 chuyên gia trả lời, có 8 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 67%, cao hơn rất nhiều so với mức 31% của tuần trước. Có 3 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 25%, thấp hơn con số 44% của tuần trước. Chỉ có 1 người dự báo giá vàng đi ngang, chiếm 8%.
Tương tự, trong 643 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 477 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 74%, cao hơn so với con số 67% của tuần trước, 96 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 15%, thấp hơn so với mức 18% của tuần trước và 70 người dự báo giá đi ngang, chiếm 11%.
Giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên giảm mạnh trước đó do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran.
Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,33 USD (+0,59%), lên 55,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+0,86%), lên 62,47 USD/thùng.
Dù hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn chứng kiến tuần giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu sụt giảm với dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 7,61% so với mức tăng 4,69% của tuần trước, giá dầu thô Brent cũng giảm 6,44% sau khi tăng 3,95% tuần trước.