Mọi con mắt của giới đầu tư đang hướng về Anh (Ảnh minh họa: AFP)

Mọi con mắt của giới đầu tư đang hướng về Anh (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư hướng mắt về Anh chờ “ngày phán quyết”

(ĐTCK) Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như vàng đang hướng sự chú ý vào cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Anh về việc đi hay ở lại với EU vào ngày 23/6. Theo cuộc thăm dò mới nhất, thì kết quả cuộc bỏ phiếu này rất khó đoán.

Mở cửa phiên thứ Tư, phố Wall tăng điểm sau dữ liệu doanh số bán nhà cũ trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất 9 năm, cùng với đó là doanh số bán lẻ và xuất nhập khẩu tích cực củng cố niềm tin về triển vọng nền kinh tế Mỹ trong quý II.

Tuy nhiên, đà tăng dần hạ nhiệt và các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước ngày bỏ phiếu Brexit tại Anh sẽ diễn ra vào thứ Năm (23/6).

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones giảm 48,9 điểm (-0,27%), xuống 17.780,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,45 điểm (-0,17%), xuống 2.085,45 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,44 điểm (-0,22%), xuống 4.833,32 điểm.

Kỳ vọng về việc Brexit - Anh rời EU không xảy ra tiếp tục giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm khá mạnh khi bước vào phiên giao dịch ngày thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà tăng bị hãm bớt khi kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ những người ủng hộ Brexit đang tạm dẫn điểm với 45%, còn những người ủng hộ ở lại là 44%.

Với tỷ lệ sít sao này, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 23/6 sẽ rất khó dự đoán, do đó, giới đầu tư đã trở nên thận trọng hơn sau những phiên hưng phấn đầu tuần sau cuộc thăm do cho thấy những người ủng hộ ở lại tăng mạnh.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,64 điểm (+0,56%), lên 6.261,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 55,52 điểm (+0,55%), lên 10.071,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,79 điểm (+0,29%), lên 4.380,03 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời trước ngày Anh bỏ phiếu đi hay ở lại với Liên minh châu Âu (EU) khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm điểm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 4 liên tiếp khi nhà đầu tư trên thị trường này tự tin với khả năng Brexit - Anh rời EU sẽ không xảy ra và giọng điệu thận trọng trong việc tăng lãi suất sắp tới của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 103,39 điểm (-0,64%), xuống 16.065,72  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 126,68 điểm (+0,61%), lên 20.795,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 26,99 điểm (+0,94%), lên 2.905,55 điểm.

Giá vàng tiếp tục có phiên giảm và đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần do áp lực chốt lời vẫn còn. Tuy nhiên, đà giảm đã được hạn chế tối thiểu và chủ yếu giá kim loại quý này lình xình trong suốt phiên thứ Tư khi giới đầu tư đang chờ đợi ngày bỏ phiếu Brexit diễn ra vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 22/6, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,14%), xuống 1.265,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,5 USD (-0,2%), xuống 1.270 USD/ounce.

Không như con số của Viện Dầu khí (API) đưa ra trước đó, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước chỉ giảm 917.000 thùng, tuần giảm thứ 5 liên tiếp, nhưng mức giảm thấp hơn nhiều con số dự báo là 1,7 triệu thùng. Kho dự trữ dầu thô tại Oklahoma cũng chỉ giảm 1,3 triệu thùng, so với con số 3,5 triệu thùng của API.

Trong khi đó, kho dự trữ xăng tăng 627.000 thùng, so với mức dự báo giảm 326.000 của giới phân tích. Tuy nhiên, kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, tăng 151.000 thùng, so với kỳ vọng tăng 257.000 thùng.

Dữ liệu vừa công bố đã khiến giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 22/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,72 USD (-1,47%), xuống 49,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,74 USD (-1,48%), xuống 49,88 USD/thùng.

Tin bài liên quan