Thay đổi quan điểm
Sau khi tăng lãi suất 3 lần năm 2019, trong tuần trước, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất tại phiên họp Ủy ban Thị trường Mở (FOMC).
Theo đó, lãi suất liên bang sẽ duy trì ở mức 1,5-1,75%/năm. Nguyên nhân chính khiến quyết định này được đưa ra, theo thông báo của FOMC, là bởi vấn đề lạm phát.
Cụ thể, Fed đã đặt ra mục tiêu lạm phát 2% trong những năm qua, nhưng con số thực tế kể từ năm 2012 chưa bao giờ khiến cơ quan này hài lòng.
“Chúng tôi cảm thấy không hài lòng với việc lạm phát ở mức dưới 2%, nhất là vào thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế Mỹ đang còn chặng đường dài mới bước vào chu kỳ tăng trưởng”, ông Powell cho biết.
Lạm phát duy trì dưới mức mục tiêu mà Fed đề ra.
Chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân, công cụ ưa thích của Fed để tính toán lạm phát đã tăng 1,5% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 11/2019.
Ðây là lý do nhiều khả năng Fed sẽ sử dụng một cách tiếp cận khác trong việc tính toán lạm phát nhằm tiến gần hơn tới mức mục tiêu trong những tháng tới.
Trong bối cảnh này, giới đầu tư đang khấp khởi mừng thầm, khi nhận định thay vì nâng lãi suất, khả năng Fed quyết định hạ lãi suất sẽ cao hơn.
Theo giới chuyên gia, một trong số ít tài liệu được phân tích tới từng từ trên thế giới chính là biên bản phiên họp của FOMC. Theo biên bản cuộc họp tuần trước, có 2 thay đổi chính xảy ra.
Thứ nhất, khi nói về lạm phát, thay vì lặp lại cụm từ “quay về” mức mục tiêu 2%, FOMC sử dụng “tiến gần” mức 2%.
Ðiều này cho thấy, Fed đang có thái độ cương quyết hơn trong việc đạt được mục tiêu đã đặt ra kể từ năm 2012 trong thời gian tới.
Thay đổi đáng chú ý thứ hai là nhận định, chi tiêu hộ gia đình gia tăng ở mức “vừa phải”, thay vì tăng trưởng “mạnh” như các biên bản họp trước đó.
Theo các thành viên thị trường, đây là các tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng Fed hạ lãi suất trong tương lai, thay vì nâng lãi suất, bởi cơ quan này cần kích thích tiêu dùng, thúc đẩy lạm phát, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ðây là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Trong những phát biểu mới nhất của mình, ông Powell cho biết, Fed đang cảm thấy “hài lòng” với các chính sách tiền tệ hiện tại và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tình trạng này, trừ khi bối cảnh nền kinh tế có sự thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, bóng mây từ xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa thực sự tan biến, sự bùng phát của dịch cúm Corona vào đầu năm, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống… đều là những yếu tố gây rủi ro lớn cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Theo khảo sát các thành viên thị trường do Bloomberg thực hiện, đa số “cá cược” Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản cho tới cuối năm nay.
Cuộc họp tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra vào tháng 3, kèm với việc công bố báo cáo kinh tế mới nhất của Fed. Ðây là thời điểm được đánh giá sẽ xác nhận chính xác hơn bước đi tiếp theo của cơ quan này trong năm 2020 và xa hơn nữa.
Trăn trở của Fed
Với việc Fed giữ nguyên lãi suất, sự chú ý của thị trường tập trung vào việc làm thế nào để cơ quan này có thể kiểm soát được các chính sách hiện tại.
Fed đã thành công trong việc bơm tiền ra thị trường trong năm 2019 nhằm tránh để tránh lãi suất cho vay qua đêm tăng mạnh.
Hiện tại, cơ quan này cần quyết định khi nào và bằng cách nào dần chấm dứt chương trình này. Chưa kể, nhiệm vụ của Fed trở nên khó khăn hơn khi dòng tiền bơm ra thị trường là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của chứng khoán Mỹ trong năm vừa qua.
Tính tới cuối năm 2019, danh sách tài sản mua vào của Fed đã tăng lên 4.100 tỷ USD so với con số 3.800 tỷ USD vào cuối tháng 9/2019.
Cơ quan này dự tính sẽ giảm lượng mua vào tài sản cho tới tháng 6/2020, nhưng chưa công bố cụ thể sẽ tiến hành như thế nào từ mức chi khoảng 60 tỷ USD/tháng hiện tại.
Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ mua vào lượng ít hơn trái phiếu chính phủ, sau khi loại tài sản này đã tăng trưởng ở mức tương đương với các tài sản khác trong bảng cân đối của Fed, bao gồm cả tiền tệ.
Cụ thể, cơ quan này đã mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn kể từ giữa tháng 10/2019 với giá trị khoảng 180 tỷ USD.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng, việc mua vào các tài sản có giá trong giai đoạn vừa qua khác với các chương trình nới lỏng tiền tệ thời điểm năm 2008 - hay được gọi là các gói QE.
Với QE, Fed mua vào trái phiếu kỳ hạn dài nhằm hạ lãi suất trong dài hạn để cổ vũ hoạt động đi vay, chi tiêu và đầu tư.
Còn chương trình thu mua hiện tại chỉ nhắm tới tài sản ngắn hạn với mục đích cải thiện thanh khoản của thị trường ngân hàng.
Mặc dù vậy, các thành viên thị trường nhận định, đà tăng của chứng khoán Mỹ trong thời gian qua có liên hệ mật thiết với các chương trình mua tài sản của Fed.
Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 10% kể từ khi Fed công bố chương trình mua tài sản vào tháng 10/2019.
Do đó, có lý do để nhà quản lý tiền tệ lo ngại thị trường chứng khoán có diễn biến bất thường bởi “hiểu nhầm” mục tiêu các hành động của Fed.
“Tôi tin chắc rằng, chúng ta cần tìm cách thích hợp nào đó nhằm kìm hãm đà tăng hiện tại của bảng cân đối tài sản”, Chủ tịch Fed tại Dallas Robert Kaplan nói và cho biết thêm, chương trình mua tài sản hiện tại là một hình thức “phái sinh” từ QE trước đây.
Theo đó, sự can thiệp sâu vào thị trường dễ dẫn tới mất cân bằng, đi quá giới hạn và gây khó khăn khi giải quyết các hệ quả sau này.