Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ các thông tin trái ngược về kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố và nhà đầu tư thận trọng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu bước vào cuộc họp kéo dài 2 ngày.
Trong cuộc họp lần này, giới phân tích và các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất.
Về kết quả kinh doanh, trong khi cổ phiếu Apple tăng mạnh 4% sau khi công bố báo cáo doanh số bán hàng iPhone tốt hơn dự kiên trong quý II, thì cổ phiếu Twitter lại giảm tới 9% sau khi mạng xã hội này công bố tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ năm 2013.
Tương tự, trong khi cổ phiếu Texas Instruments tăng 7,85%, mức tăng lớn nhất trong S&P 500 khi có quý khởi sắc hơn dự báo của giới phân tích, thì cổ phiếu của McDonald lại giảm 4,46% sau khi báo cáo doanh số bán hàng có quý tồi tệ hơn dự kiến tại các nhà hàng ở Mỹ.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Dow Jones giảm 19,31 điểm (-0,10%), xuống 18.473,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7 điểm (+0,03%), lên 2.169,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,42 điểm (+0,24%), lên 5.110,05 điểm.
Chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Ba với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng lớn. Cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh với sự hỗ trợ thông tin nhà sản xuất insulin của Đan Mạch Novo Nordisk được giới môi giới đánh giá cao sẽ có cú huých với sản phẩm chữa bệnh tiểu đường của Công ty.
Trong khi đó, nhóm hàng tiêu dùng tăng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của Hermes, Campari và Adidas.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,9 điểm (+0,21%), lên 6.724,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 49,52 điểm (+0,49%), lên 10.247,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,77 điểm (+0,15%), lên 4.394,77 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh gần 1,5%, xuống mức thấp nhất gần 2 tuần do đồng yên tăng mạnh trước cuộc họp chính sách 2 ngày của Fed.
Trái ngược lại, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tăng điểm khá mạnh trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và hàng tiêu dùng.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Nikke 225 giảm 244,21 điểm (-1,47%), xuống 16.383,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 136,29 điểm (+0,62%), lên 22.129,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 34,34 điểm (+1,14%), lên 3.050,17 điểm.
Dù có lúc hồi phục khá tốt, nhưng sự thận trọng trước cuộc họp chính sách quan trọng của Fed khiến giá vàng hạ nhiệt dần sau đó và chỉ có được mức tăng khiêm tốn trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 26/7, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,33%), lên 1.319,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,3 USD (+0,1%), lên 1.320,8 USD/ounce.
Dù rất nỗ lực phục hồi, nhưng cuối cùng, chỉ có giá dầu thô Brent là đủ sức giữ được đà tăng nhẹ khi chốt phiên, trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục có phiên giảm và lần đầu tiên kể từ 26/4 đóng cửa dưới ngưỡng 43 USD/thùng.
Kết thúc phiên 26/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 USD/thùng (-0,49%), xuống 42,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,15 USD (+0,33%), lên 44,87 USD/thùng.