Tuần này, giới đầu tư hướng tới cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tư ngày tứ Ba và kết thúc vào chiều ngày thứ Tư theo giờ Mỹ. Trong cuộc họp này, giới phân tích dự báo Fed sẽ tăng lãi suất từ 1,25% lên 1,50%, đặc biệt là dữ liệu vừa công bố mới nhất cho thấy, giá của các nhà sản xuất trong tháng 11 tăng theo đà tăng của giá xăng, gây áp lực lên lạm phát.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,4% trong tháng 11 so với tháng trước, tháng tăng thứ 3 liên tiếp và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2012. Mức tăng của chỉ số PPI trong tháng 11 cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích (các nhà phân tích dự báo mức tăng lần lượt là 0,3% và 2,9%).
Với dự báo này, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh, giúp Dow Jones và S&P 500 tiếp tục duy trì đà tăng, lên mức cao kỷ lục mới, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ đảo chiều khiến chỉ số Nasdaq đảo chiều theo.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số Dow Jones tăng 118,77 điểm (+0,49%), lên 24.504,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,12 điểm (+0,15%), lên 2.664,11 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,76 điểm (-0,19%), xuống 6.862,32 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng trở lại sau khi trái chiều trong phiên trước đó. Chứng khoán “lục địa già” hồi phục trong phiên thứ Ba nhờ các thông tin về các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) khủng. Đơn cử, như thương vụ trị giá 4,3 tỷ euro giữa Tập đoàn tư vấn kỹ thuật Atos của Pháp với hãng kỹ thuật an ninh không gian Gemalto của Hà Lan.
Tuy nhiên, trái ngược với các đồng nghiệp trên phố Wall, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng trên sàn chứng khoán châu Âu như HSBC, Societe Generale và BNP Paribas lại đồng loạt giảm mạnh, hãm bớt đà tăng của các chỉ số chính.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 46,93 điểm (+0,63%), lên 7.500,41 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,88 điểm (+0,46%), lên 13.183,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,37 điểm (+0,75%), lên 5.427,19 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 3 phiên tăng liên tiếp, các chỉ số chính đều đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản dù tăng phiên sáng, nhưng đảo chiều mất điểm trong phiên chiều khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần này.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm sau 2 phiên khởi sắc khi giá cổ phiếu Tencent mất tới 3%, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc theo nhóm cổ phiếu tài chính và vận tải.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 72,56 điểm (-0,32%), xuống 22.866,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 171,41 điểm (-0,59%), xuống 28.793,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 41,38 điểm (-1,25%), xuống 3.280,81 điểm.
Với việc đồng USD tăng trước khả năng lớn Fed sẽ tăng lãi suất, cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán, giá vàng đã có lúc lao mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 5 tháng. Tuy nhiên, vào cuối phiên Mỹ, giá vàng giao ngay bất ngờ đảo chiều đi lên nhờ lực cầu bắt đáy kỹ thuật, trong khi giá vàng tương lai đóng cửa sớm hơn nên tiếp tục có phiên giảm.
Kết thúc phiên 12/12, giá vàng giao ngay tăng 2,6 USD/ounce (+0,21%), lên 1.244,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,2 USD/ounce (-0,42%), xuống 1.238,5 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm, dầu thô bị chốt lời mạnh nên quay đầu lao dốc trong phiên thứ Ba, trả lại hết những gì đã có trong phiên trước đó, thậm chí còn lẹm vào của phiên đầu tuần.
Áp lực chốt lời diễn ra sớm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2018 được dự báo sẽ tăng 780.000 thùng/ngày, lên 10,02 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo tăng 720.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước.
Kết thúc phiên 12/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,82 USD (-1,41%), xuống 56,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,35 USD (-2,09%), xuống 63,34 USD/thùng.