Các chỉ số chính của phố Wall giằng co trong phiên thứ Ba nhưng cuối cùng vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên.
Sự hỗ trợ của cổ phiếu Apple với 5 phiên tăng liên tiếp và nhóm năng lượng tăng theo giá dầu giúp phố Wall duy trì đà tăng, nhưng mức tăng bị hạn chế do đà giảm của AIG và Microsoft, cũng như giới đầu tư chờ đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Mỹ về gói kích thích kinh tế mới.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Dow Jones tăng 164,07 điểm (+0,62%), lên 26.828,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,90 điểm (+0,36%), lên 3.306,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 38,37 điểm (+0,35%), lên 10.941,17 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu giằng co và đóng cửa trái chiều, nhưng mức tăng giảm không mạnh. Trong đó, chứng khoán Đức giảm nhẹ, chứng khoán Anh, nhất là Pháp có sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu BP.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,15 điểm (+0,05%), lên 6.036,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,11 điểm (-0,36%), xuống 12.600,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 13,59 điểm (+0,28%), lên 4.889,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường kết thúc phiên thứ Ba đều có sắc xanh, trong đó chứng khoán Hồng Kông tăng vọt 2% nhờ nhóm công nghệ, chứng khoán Hàn Quốc lên mức cao nhất 2 năm nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố trước đó.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 378,28 điểm (+1,70%), lên 22.573,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,72 điểm (+0,11%), lên 3.371,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 488,50 điểm (+2,00%), lên 24.946,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 28,93 điểm (+1,29%), lên 2.279,97 điểm.
Trong phiên giao dịch đêm qua (4/8) theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã có mức tăng vọt, trong đó giá vàng giao ngay tăng 41,7 USD/ounce (+2,11%), lên 2.019,4 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 35,2 USD/ounce (+1,79%), lên 2.001,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 33,8 USD/ounce (+1,13%), lên 2.008,5 USD/ounce.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục bứt mạnh lên ngưỡng 2.030 USD/ounce.
Đà tăng mạnh của giá vàng là do kim loại quý này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, và những lo ngại về lạm phát giá có thể xảy ra trong những tháng tới khi các nước bơm mạnh tiền ra để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo các nhà phân tích, trên đồ thị kỹ thuật, các tín hiệu đều ủng hộ đà tăng của giá vàng, điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào kim loại quý này.
Điều quan trọng là không có tín hiệu kỹ thuật cảnh báo sớm nào cho thấy đỉnh ngắn hạn củ giá vàng là ở đâu. Do đó, trong ngắn hạn, rất ít có mức kháng cự mạnh nào có thể đủ để ngăn đà tăng của giá vàng.
Mức kháng cự có thể cản được đà tăng của giá vàng tương lai giao tháng 10 là mốc 2.100 USD/ounce, còn nếu điều chỉnh, thì mốc 1.912 USD/ounce sẽ là mốc hỗ trợ cho giá kim loại quý này.
Kết thúc phiên 4/8, giá vàng giao ngay tăng 1,6 USD (+0,08%), lên 1.977,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,2 USD (+0,16%), lên 1.966,0 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên thứ Ba với kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ sẽ lớn hơn các gói trước để hỗ trợ nền kinh tế đang bị tổn thương mạnh vì Covid.
Kết thúc phiên 4/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,69 USD (+1,65%), lên 41,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,28 USD (+0,63%), lên 43,43 USD/thùng.