Phiên kết thúc tháng 3, thị trường tập trung chờ đợi bài phát biểu về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ.
Bản phác thảo đề xuất do Nhà Trắng công bố đã nêu chi tiết các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, tập trung vào đầu tư cho các dự án giao thông đường xá, sân bay, nguồn cung cấp nước sạch an toàn, công nghệ xanh, nâng cấp viễn thông... Gói cơ sở hạ tầng sẽ được giải ngân trong 8 năm.
Số tiền lấy từ dự án sẽ được bù đắp bằng cách tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% trở lại 28% sau khi được cắt giảm vào năm 2017 từ 35% xuống 21%.
Cuối ngày thứ Tư, phát biểu tại Pittsburgh, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định kế hoạch “có một không hai” và “táo bạo” này sẽ giúp tạo ra hàng triệu việc làm cho người Mỹ, tạo ra một nề kinh tế mạnh mẽ và linh hoạt nhất trên thế giới.. Nhà Trắng cho biết nâng thuế, cùng với các biện pháp ngăn doanh nghiệp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, sẽ đóng góp ngân sách cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trong vòng 15 năm.
Truyền thông Mỹ tiết lộ thêm, quy mô kế hoạch của ông Biden có thể tăng lên 4.000 tỷ USD khi công bố thêm các dự án bổ sung và cũng sẽ được bù đắp bằng việc tăng thuế suất đối với người giàu và nhà đầu tư.
Kế hoạch của ông Biden đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Đảng Cộng hoà. “Những đợt tăng thuế sâu rộng này sẽ giết chết việc làm và chôn vùi những đồng lương vào thời điểm tồi tệ nhất từng thấy, khi người Mỹ đang cố gắng thoát khỏi đại dịch”, Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội thông qua gói chi tiêu cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Gói kích thích này đã thúc đẩy lo ngại lạm phát, được coi là nguyên nhân dẫn đến việc bán tháo trên thị trường trái phiếu và khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 84 điểm cơ bản trong quý này, mức tăng hàng quý cao nhất kể từ tháng 12/2016.
Về dữ liệu kinh tế, dữ liệu của ADP cho thấy, số việc làm khu vực tư nhân đã tăng 517.000 việc trong tháng 3, thấp hơn một ít so với con số 525.000 được dự báo. Đây cũng là mức tăng lớn nhất ghi nhật được trong sáu tháng. Báo cáo việc làm tháng 3 của chính phủ dự kiến cũng sẽ tích cực.
Ngoài ra, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) Chicago trong tháng 3 đạt mức cao nhất trong 2 năm rưỡi , nhưng doanh số bán nhà đang chờ xử lý đã giảm 10,6% trong tháng 2.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 85,41 điểm (-0,26%), xuống 32.981,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,34 điểm, (+0,36%), lên 3.972,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 201,48 điểm, (+1,54%), lên 13.246,87 điểm.
Trong tháng 3, Dow Jones tăng 5,7%, S&P 500 tăng 4,01%, Nasdaq Composite tăng 1,92%. Trong quý I/2021, Dow Jones tăng 8,46% S&P 500 tăng 6,45%, Nasdaq Composite tăng 2,93%.
Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên giao dịch đêm qua, dù vậy vẫn khép lại một quý tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ô tô, ngân hàng và du lịch và giải trí đã hoạt động tốt nhất ở châu Âu trong quý này khi các nhà đầu tư hy vọng rằng sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực giá rẻ này.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số FTSE 100 giảm 58,29 điểm (-0,86%), xuống 6.713,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,27 điểm (-0,00%), xuống 15.008,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 20,81 điểm (-0,34%), xuống 6.067,23 điểm.
Trong tháng 3, FTSE 100 tăng tăng 0,57%, DAX 6,59%, CAC 40 tăng 4,07%. Trong quý I/2021, FTSE 100 tăng 2,41%, DAX tăng 9,40%, CAC 40 tăng 8,35%.
Chứng khoán châu Á quay lại sắc đỏ trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, khi nhóm cổ phiếu tài chính bị bán đồng loạt, do sự không chắc chắn ngày càng tăng về ảnh hưởng từ hiện tượng call margin tại một số quỹ đầu tư tại Mỹ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do áp lực suy yếu từ nhóm bất động sản và vật liệu. Chứng khoán Hồng Kông giảm, qua đó, ghi nhận tháng giảm đầu tiên sau 6 tháng gần nhất.
Chứng khoán Hàn Quốc mất điểm, do lo lắng về việc lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao trở lại.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 253,90 điểm (-0,86%), xuống 29.178,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,76 điểm (-0,43%), xuống 3.441,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 199,15 điểm (-0,70%), xuống 28.378,35 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 8,58 điểm (-0,28%), xuống 3.061,41 điểm.
Trong tháng 3, Nikkei 225 giảm 1,63%, Shanghai Composite giảm 1,76%, Hang Seng giảm 2,20%, KOSPI tăng 0,59%. Trong quý I/2021, Nikkei 225 tăng 7,89%, Shanghai Composite giảm 0,90%, Hang Seng tăng 5,01%, KOSPI tăng 6,58%.
Giá vàng phiên đêm qua tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 2 phiên liên tiếp giảm sâu. Thị trường đi lên nhờ đồng USD Mỹ yếu đi.
Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay tăng 22,8 USD (+1,21%), lên 1.708,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 29,90 USD (+1,78%), lên 1.713,80 USD/ounce.
Trong tháng, giá vàng giao ngay giảm 10% và trong quý giảm 1,54%.
Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Tư trong bối cảnh các đợt đóng cửa mới ở châu Âu làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và triển vọng không chắc chắn trước trước cuộc họp quyết định hạn chế sản lượng của OPEC+.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua đã ban hành lệnh đóng cửa quốc gia lần thứ ba và cho biết các trường học sẽ đóng cửa trong ba tuần trong khi chính phủ tìm cách đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,39 USD (-2,3%), xuống 59,16 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,60 USD (-0,9%), xuống 63,54 USD/thùng.
Trong tháng 3, dầu WTI giảm 3,8%, dầu Brent giảm 3,9%. Trong quý I, dầu WTI tăng 21,9%, dầu Brent tăng 22,6%.