Giới đầu tư hoang mang trước nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ

Giới đầu tư hoang mang trước nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall hồi phục nhẹ trong phiên ngày thứ Tư (29/9) khi lợi suất trái phiếu chính phủ tạm dừng đà tăng song lo lắng về trần nợ công khiến thị trường biến động mạnh.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tạm dừng sau khi tăng mạnh trong những phiên gần đây do cuộc tranh luận về trần nợ diễn ra ở Washington.

Tình hình tại Washington vẫn đang bế tắc trong khi thời hạn đang đến gần. Ngân sách cho chính phủ liên bang dự kiến hết vào ngày 30/9. Nếu không có ngân sách mới, hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ tạm nghỉ việc, chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa. Bất chấp những nỗ lực kêu gọi từ đảng Dân chủ, các thành viên đảng Cộng hoà tại Hạ viện lẫn Thượng viện vẫn kiên quyết từ chối bỏ phiếu dự luật tạm thời nâng trần nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 28/9 đưa ra cảnh báo tới các nhà lập pháp Mỹ, sau ngày 18/10 ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ "sẽ nhanh chóng cạn kiệt" và chưa chắc bộ này có thể trang trải các khoản kinh phí sau thời điểm đó. Điều này đồng nghĩa Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ và một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại một sự kiện của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bày tỏ sự thất vọng về sự dứt gãy liên tục trong chuỗi cung ứng có thể khiến lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Giải quyết “căng thẳng” giữa lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng là vấn đề cấp bách nhất mà Fed phải đối mặt ngay bây giờ, ông Powell cho biết.

Những phát biểu này khiến giới đầu tư đặt kỳ vọng Fed sẽ lùi thời gian bắt đầu thắt chặt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ chứng khoán Mỹ đổi chiều trong phiên đêm qua.

Mặt khác, về dữ liệu kinh tế, Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ (NAR) cho biết, chỉ số bán nhà đang hoàn thiện tăng 8,1 điểm trong tháng 8, lên mức 119,5 và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2021, sau đó hai tháng giảm liên tiếp.

Cổ phiếu các nhóm ngành phòng thủ dẫn đầu thị trường đêm qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định trong thị trường đầy biến động.

Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh trong khi Nasdaq Composite vẫn chưa thể khởi sắc. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang tăng tốt.

Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones tăng 90,73 điểm (+0,26%), lên 34.390,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,83 điểm (-0,16%), lên 4.359,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,34 điểm (-0,24%), xuống 14.512,44 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi sắc trở lại trong phiên ngày thứ Tư sau một trong những phiên tồi tệ nhất trong năm nay khi AstraZeneca kéo cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe tăng vọt nhờ thỏa thuận thành công thương vụ mua lại một hãng sản xuất thuốc chữa bệnh hiếm gặp.

Kết thúc phiên 29/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 80,06 điểm (+1,14%), lên 7.108,16 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 116,71 điểm (+0,77%), lên 15.365,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 54,30 điểm (+0,83%), lên 6.560,80 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh theo chân Phố Wall đêm hôm trước, đồng thời các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng cầm quyền quyết định thủ tướng tiếp theo.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh do cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng căng thẳng khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các lĩnh vực dễ tổn thương như hóa chất và thép.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu là cổ phiếu bất động sản và tài chính khi các nhà đầu tư thở phào với kế hoạch bán bớt cổ phần của Tập đoàn bất động sản Evergrande.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm trong bối cảnh cổ phiếu các công ty công nghệ lớn bị bán tháo và lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande cũng như khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 639,67 điểm (-2,12%), xuống 29.544,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 65,92 điểm (-1,83%), xuống 3.536,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 163,11 điểm (+0,67%), lên 24.663,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 37,65 điểm (-1,22%), xuống 3.060,27 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đêm qua khi đồng USD mạnh lên gây áp lực tới đà hồi phục của mặt hàng kim loại quý. Đồng USD đang được giao dịch ở vàng cao nhất trong 11 tháng qua.

Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay giảm 7,70 USD (-0,44%), xuống 1.726,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 14,40 USD (-0,83%), xuống 1.721,50 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục hạ nhiệt phiên hôm thứ Tư sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến.

Theo đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 4,6 triệu thùng trong tuần trước, vượt quá kỳ vọng và được thúc đẩy bởi sản lượng phục hồi khi các cơ sở sản xuất ngoài khơi bị đóng cửa bởi hai cơn bão hoạt động trở lại.

Các kho dự trữ dầu, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng tăng trong tuần trước, theo Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.

Sản lượng của nước này đã tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày, gần bằng với mức sản lượng trước khi cơn bão Ida đổ bộ khoảng một tháng trước.

Trong khi đó, theo Reuters, OPEC+ nhiều khả năng sẽ tuân theo thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu vào tháng 11 sau cuộc họp vào tuần tới.

Kết thúc phiên 29/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,46 USD (-0,6%), xuống 74,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,6%), xuống 78,64 USD/thùng.

Tin bài liên quan