Giới đầu tư hoang mang sau các dữ liệu kinh tế được công bố

Giới đầu tư hoang mang sau các dữ liệu kinh tế được công bố

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall ngược chiều phiên ngày thứ Tư (23/6) khi dữ liệu kinh tế cả tích cực lẫn tiêu cực đều chỉ ra “bóng đen” lạm phát đang bao trùm nước Mỹ.

Thứ Tư, IHS Markit công bố báo cáo sơ bộ cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh sản xuất của Mỹ tăng lên mức 62,6 trong tháng 6, đánh bại ước tính 61,5 của giới chuyên gia. Song, các nhà sản xuất vẫn đang vật lộn để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô và nhân công có trình độ khiến giá cả tăng đáng kể.

Mặt khác, doanh số bán nhà mới dành cho hộ gia đình ở Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống còn 769.000 căn (đã điều chỉnh theo mùa), mức thấp nhất kể từ 5/2020, do giá trung bình của những ngôi nhà mới xây tăng cao trong bối cảnh nguyên liệu thô đắt đỏ, bao gồm cả giá gỗ. Cụ thể, giá một căn nhà mới tăng bình quân 18,1% so với cùng kỳ, lên mức 374.400 USD, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm thứ Tư.

Những dữ liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng nóng có thể sẽ góp phần khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không còn bao lâu nữa sẽ bắt đầu thực hiện các bước thắt chặt chính sách.

Trước đó, hôm 22/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định quan điểm của ngân hàng trung ương là không tăng lãi suất quá nhanh, cũng như không chỉ dựa trên lo ngại lạm phát sắp tới. Tuy nhiên, thị trường vẫn bất an sau lời xoa dịu của Fed.

Cổ phiếu công nghệ là điểm sáng của thị trường trong phiên đêm qua đưa Nasdaq Composite khởi sắc trái ngược với hai chỉ số còn lại, với điểm nhấn đến từ Tesla.

Tesla tăng 5,3% sau khi nhà sản xuất xe điện cho biết họ đã mở một trạm sạc năng lượng mặt trời với bộ lưu trữ điện tại chỗ ở Lhasa, Tây Tạng, cũng là trạm đầu tiên ở Trung Quốc.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones giảm 71,34 điểm (-0,21%), xuống 33.874,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,60 điểm (-0,11%), xuống 4.241,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 18,46 điểm (+0,13%), lên 14.271,73 điểm.

Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên giao dịch thứ Tư do lo ngại lạm phát làm lu mờ dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động kinh doanh tháng 6 tăng.

IHS Markit hôm 23/6 cho biết, PMI tổng hợp sơ bộ của khu vực đồng euro đạt 59,2 trong tháng 6, tăng từ mức 57,1 trong tháng trước đó và là mức cao nhất trong 15 năm qua. Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã giải phóng nhu cầu bị dồn nén và thúc đẩy tiêu dùng bùng nổ nhưng cũng dẫn đến áp lực giá cả tăng vọt.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,95 điểm (-0,22%), xuống 7.074,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 179,94 điểm (-1,15%), xuống 15.456,39. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,43 điểm (-0,91%), xuống 6.551,07 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong bối cảnh mức tăng của các cổ phiếu lớn liên quan đến chip đã bù đắp gần hết cho đà sụt giảm ở nhóm cổ phiếu dược phẩm.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu ô tô thúc đẩy, cùng tâm lý nhà đầu tư được trấn an, sau khi Fed cho biết sẽ không vội tăng lãi suất.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất trong gần ba tháng với mức sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi những xoa dịu đến từ quan chức Fed.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng với sự hứng khởi từ đà tăng mạnh của gã khổng lồ công nghệ Naver và Kakao.

Kết thúc phiên 23/6, Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 9,24 điểm (-0,03%), xuống 28.874,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,81 điểm (+0,25%), lên 3.566,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 507,31 điểm (+1,79%), lên 28.817,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 12,31 điểm (+0,38%), lên 3.277,19 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ Tư đóng của giảm nhẹ sau khi trải qua một phiên giao dịch đầy biến động. Đầu phiên, giá vàng bật tăng nhờ đồng USD suy yếu, song quay đầu giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công, nếu không Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Kết thúc phiên 23/6, giá vàng giao giảm 0,50 USD (-0,03%), xuống 1.778,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 6 USD (+0,34%), lên 1.783,40. USD/ounce.

Giá dầu thô tăng trong phiên ngày thứ Tư, lên mức cao nhất ghi nhận được từ cuối năm 2018, sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm được công bố.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 7,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 459,1 triệu thùng, mức giảm mạnh hơn nhiều so với mức 3,9 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán.

Các kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm giao dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 1,8 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nhu cầu xăng cũng tăng cao hơn trong tuần trước khi nhu cầu đi lại mùa hè tăng cao.

Kết thúc phiên 23/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,23 USD (+0,3%), lên 74,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+053%), lên 76,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan