Giới đầu tư hoang mang, chứng khoán biến động trái chiều

Giới đầu tư hoang mang, chứng khoán biến động trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trải qua phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/11) đầy biến động. Các nhà đầu tư tập trung vào báo cáo lạc quan từ các tên tuổi bán lẻ và nhóm cổ phiếu công nghệ sau nhận xét về lạm phát từ một nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Thứ Năm, lạm phát vẫn là trung tâm của các nhà đầu tư. Thị trường đầu phiên trượt dốc sau khi Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết, lạm phát đang ngày càng lan rộng tại Mỹ và sẽ còn tiếp tục đi lên trong thời gian tới, trong khi đó ngân hàng trung ương muốn đảm bảo kỳ vọng lạm phát được giữ vững ở mức 2%.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh từ các công ty bán lẻ lớn đã hỗ trợ thị trường. Macy's và Kohl's khởi động ngày thứ Năm với lợi nhuận quý III vượt kỳ vọng, cổ phiếu hai hãng này lần lượt tăng hơn 21% và 10%. Cổ phiếu Bath & Body Works tăng hơn 5%, cổ phiếu Victoria’s Secret leo dốc hơn 14%.

Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia vọt 8,3% sau khi công ty đưa ra dự báo doanh thu khả quan cho quý IV. Đà tăng trong ngày thứ Năm đã đưa giá trị thị trường của công ty lên 791 tỷ USD.

Cổ phiếu Apple tăng 2,9% lên mức cao mọi thời đại sau khi Bloomberg gã khổng lồ này đang tập trung vào lĩnh vực xe điện tự lái. Cổ phiếu Amazon vọt 4% khi cửa hàng cà phê không quầy thu ngân đầu tiên, hợp tác với Starbucks, khai trương ở New York.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho biết, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 268,000 người trong tuần kết thúc ngày 13/11/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và là tuần giảm thứ 7 liên tiếp.

Trong khi Dow Jones giảm điểm thì S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đều đang có diễn biến tích cực.

Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow Jones giảm 59,71 điểm (-0,17%), xuống 35.871,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,90 điểm (+0,34%), lên 4.704,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 72,14 điểm (+0,45%), lên 15.993,71 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Năm do các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa bị bán tháo trong bối cảnh giá dầu và kim loại giảm.

Các kho dự trữ dầu bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm trước lo ngại nguồn cung dư thừa và khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng lượng nhiên liệu dự trữ chiến lược, trong khi đó giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng.

Kết thúc phiên 18/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,24 điểm (-0,48%), xuống 7.255,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,40 điểm (-0,18%), xuống 16.221,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,87 điểm (-0,21%), xuống 7.141,98 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm với nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn đầu đà bán tháo. Tuy nhiên, thông tin gói kích thích của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ lớn hơn dự kiến ​​ban đầu đã giúp thị trường hãm đà rơi.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu bởi các cổ phiếu liên quan đến metaverse (vũ trụ ảo) khi các cơ quan truyền thông Bắc Kinh cảnh báo rủi ro về xu hướng này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm với nhóm cổ phiếu công nghệ chịu sức ép lớn nhất, trong khi các nhà phát triển bất động sản cũng gặp khó.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm theo chân phố Wall đêm trước đó, bên cạnh lo ngại dịch bệnh trong nước bùng phát khi ghi nhận số ca nhiễm mới gần chạm mức kỷ lục trong hôm qua.

Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 89,67 điểm (-0,30%), xuống 29.598,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,66 điểm (-0,47%), lên 3.520,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 330,36 điểm (-1,29%), xuống 25.319,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 15,04 điểm (-0,51%), xuống 2.947,38 điểm.

Giá vàng đêm qua hạ nhiệt do áp lực chốt lời tăng cao sau nhiều phiên mặt hàng kim loại quý này tăng mạnh. Tuy nhiên, xu hướng giảm của vàng bị kìm hãm vì USD suy yếu từ mức đỉnh 16 tháng.

Kết thúc phiên 18/11, giá vàng giao ngay giảm 8,80 USD (-0,47%), xuống 1.858,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,80 USD (-0,47%), xuống 1.861,40 USD/ounce.

Giá dầu tăng nhẹ vào thứ Năm trong bối cảnh các nhà đầu tư băn khoăn về việc các nền kinh tế lớn sẽ giải phóng bao nhiêu dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược của họ.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần vào đầu phiên giao dịch khi Trung Quốc cho biết họ đang chuyển sang khai thác kho dự trữ chiến lược. Theo truyền thông đưa tin trước đó, Mỹ đang yêu cầu các quốc gia tiêu thụ dầu lớn xem xét giải phóng kho dự trữ để giúp giá dầu giảm.

Một quan chức Bộ Công nghiệp Nhật Bản hôm thứ Năm cho biết, Washington đã yêu cầu Tokyo hợp tác trong việc giải quyết vấn đề giá dầu cao hơn song theo luật pháp Nhật Bản, không thể giải phóng kho dự trữ dầu thô với mục đích hạ nhiệt giá.

Một quan chức Hàn Quốc cũng cho biết, Seoul cũng đang xem xét yêu cầu tương tự từ Washington, song lưu ý, nước này chỉ có thể giải phóng dầu thô dự trữ chiến lược trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung.

Kết thúc phiên 18/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,65 USD (+0,8%), lên 79,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,96. USD (+1,2%), lên 81,24 USD/thùng.

Tin bài liên quan