Thứ Sáu tiếp tục một ngày hỗn loạn khác đối với chứng khoán Mỹ. Trước đó một ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bất ngờ tăng mạnh khiến thị trường chứng khoán chao đảo, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ.
Lo ngại lạm phát gia tăng đang khiến các nhà đầu tư suy đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phải thay đổi chính sách sớm hơn dự kiến bằng cách giảm mua tài sản hoặc thậm chí tăng lãi suất. Dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng trấn an và tuyên bố, ông không hề lo lắng về chuyện lạm phát tăng ở thời điểm hiện tại cũng như cam kết giữ nguyên chính sách ôn hoà song thị trường vẫn không thể an tâm.
Sang ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt đôi chút, giảm khoảng 9 điểm cơ bản xuống mức 1,43%, song vẫn ở mức cao.
Lợi suất cao khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư so với thị trường chứng khoán đầy rủi ro. Cổ phiếu công nghệ đặc biệt nhạy cảm khi lợi suất tăng bởi giá trị của nhóm này phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận trong tương lai, sẽ bị hao hụt hơn khi lãi suất đi lên.
Về mặt chính sách tài khóa, Thượng nghị sĩ Elizabeth MacDonough, cố vấn về quy trình và luật lệ của Thượng viện Mỹ, hôm 25/2 tuyên bố Thượng viện không thể đưa điều khoản về tăng lương tối thiểu vào dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ Dân chủ đề xuất.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu cho biết, người Mỹ đã tăng chi tiêu cho tiêu dùng trong tháng 1/2021, lần đầu tiên sau ba tháng, sau khi chính phủ gửi khoản thanh toán tiền mặt 600 USD cho mỗi hộ gia đình và tăng trợ cấp thất nghiệp, một phần trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Mức tăng 2,4% cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng báo cáo, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã tăng 83,7 tỷ USD trong tháng 1/2021 từ mức 83,2 tỷ USD trong tháng trước đó. Nhập khẩu hàng hóa tăng 1,1% lên 218,9 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 1,4% lên 135,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tăng 8,25% và xuất khẩu giảm 0,7%.
Trong khi đó, chỉ số quản lý mua hàng Chicago (Chicago PMI) trong tháng 2 đã giảm xuống mức 59,5 so với mức 63,8 của tháng trước.
Chỉ số tâm lí tiêu dùng của Đại học Michigan (MCSI) trong tháng 2 giảm xuống 76,8 điểm từ 79 điểm trong tháng trước đó.
Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã sẵn sàng phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 chỉ cần tiêm một mũi do Johnson & Johnson phát triển.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones giảm 469,64 điểm (-1,50%), xuống 30.932,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,19 điểm (-0,48%), xuống 3.829,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 72,91 điểm (+0,56%), lên 13.192,35 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,78%, chỉ số S&P 500 giảm 2,45%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,92%.
Trong tháng 2, chỉ số Dow Jones tăng 3,17%, chỉ số S&P 500 tăng 2,61%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,93%.
Chứng khoán châu Âu nhuốm sắc đổ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chấm dứt chuỗi ba tuần tăng điểm liên tiếp trong bối cảnh thị trường vẫn ngập tràn nỗi lo về lạm phát và lãi suất do lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 168,53 điểm (-2,53%), xuống 6.483,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 93,04 điểm (-0,67%), xuống 13.786,29 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 80,67 điểm (-1,39%), xuống 5.703,22 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,12%, chỉ số DAX giảm 1,48%, chỉ số CAC40 giảm 1,22%.
Trong tháng 2, chỉ số FTSE tăng 1,19%, chỉ số DAX tăng 2,63%, chỉ số CAC40 tăng 5,63%.
Song hành cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, lợi suất trái phiếu tại nhiều thị trường ở châu Á cũng tăng mạnh. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,171%, có lúc tăng lên 0,181% - mức cao nhất kể từ đầu năm 2016, thì lợi suất trái phiếu chính phủ Hàn Quốc kỳ hạn 3 năm tăng 2,6 điểm cơ bản lên 1,02%.
Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á trong phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản có phiên tồi tệ nhất trong gần một năm qua vào hôm thứ sau, khi lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng vọt.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh. Biến động của trái phiếu toàn cầu cũng là nguyên do khiến niềm tin của giới đầu tư đối với các tài sản rủi ro tụt dốc.
Chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm sâu khi chứng kiến lợi tức trái phiếu tăng đột biến trên thị trường toàn cầu.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.202,26 điểm (-3,99%), xuống 30.966,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 75,97 điểm (-2,12%), xuống 3.509,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.093,96 điểm (-3,64%), xuống 28.980,21 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 86,74 điểm (-2,80%), xuống 3.012,95 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,50%, chỉ số Shanghai Composite giảm 5,06%, chỉ số Hang Seng giảm 5,43%, chỉ số KOSPI giảm 3,05%.
Trong tháng 2, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,71%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,75%, chỉ số Hang Seng tăng 2,46%, chỉ số KOSPI tăng 1,23%.
Giá vàng phiên ngày thứ Sáu lao dốc và lùi về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Vàng chịu áp lực bán tháo sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên, mức cao nhất trong một năm qua.
Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay giảm 34,50 USD (-1,95%), xuống 1.735,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 34 giảm 46,60 USD (-2,62%) 1.728,80 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay mất 2,75%. Còn trong cả tháng 2 này, giá vàng giao ngay giảm mạnh 6,1%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần này của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 3 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 8 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 669 người tham gia, hơn 52% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 33% cho rằng giá vàng giảm và 15% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu trong phiên cuối tuần qua giảm do đồng USD tăng và các dự báo đều cho rằng nguồn cung sẽ tăng trong thời gian tới khi giá dầu đang ở mức cao hơn cả trước đại dịch.
Đồng USD mạnh lên do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở mức cao nhất trong một năm qua. Các nhà đầu tư cho rằng, cuộc họp của OPEC+ trong tuần tới sẽ có thể sẽ dẫn tới quyết định nới lỏng nguồn cung ra thị trường.
Ngoài ra, giá dầu thô của Mỹ còn phải đối mặt với áp lực nhu cầu lọc dầu chậm lại sau khi một vài cơ sở ở Bờ Vịnh đóng cửa hoạt động sau cơn bão tuyết tuần trước. Theo ước tính của JP Morgan, công suất lọc dầu khoảng 4 triệu thùng/ngày vẫn ngừng hoạt động và có thể đến ngày 5/3 mới khôi phục được hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có khả năng chậm trễ hơn.
Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,03 USD (-3,30%), xuống 61,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,75 USD USD (-1,13%), xuống 66,13 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 3,8%, dầu Brent tăng 5,12%. Trong tháng, dầu WTI tăng 17,45%, dầu Brent tăng 19,47%.