Cuộc chiến dầu mỏ giữa OPEC và Nga khiến giá dầu thô tiếp tục bốc hơi hơn 24% trong phiên đầu tuần mới, mức giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc chiến Vùng vịnh 1991 xuống ngưỡng sát 30 USD/thùng.
Sự sụp đổ của giá dầu thô cùng với sự bùng phát ngày một mạnh của dịch bệnh Covid-19 mà theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đường đến đại dịch của dịch bệnh này không còn xa, đã khiến giới đầu tư hoảng loạt, kích hoạt lệnh bán tháo ồ ạt, đẩy phố Wall có phiên lao dốc mạnh nhất trong 10 năm qua.
Thậm chí ngay đầu phiên giao dịch, việc thị trường lao dốc ngay đầu phiên đã kích hoạt lệnh ngừng giao dịch tự động, lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1987. Trong khi đó, chỉ số CBOE đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2008, còn lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 0,318%, mức thấp kỷ lục.
Kể từ mức cao kỷ lục hồi giữa tháng 2/2020, vốn hóa của S&P 500 đã bị thổi bay 5.000 tỷ USD.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones giảm 2.013,76 điểm (-7,79%), xuống 23.851,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 225,81 điểm (-7,60%), xuống 2.746,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 624,94 điểm (-7,29%), xuống 7.950,68 điểm.
Không nằm ngoài làn sóng bán tháo, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh trên dưới 8% trong phiên thứ Hai khi nhà đầu tư hoảng loạn với sự sụp đổ của giá dầu thô và sự lây lan nhanh của dịch Covid-19. Chỉ số chung của sàn châu Âu STOXX 600 giảm 7,4% mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 496,78 điểm (-7,69%), xuống 5.965,77 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 916,85 điểm (-7,94%), xuống 10.625,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 431,19 điểm (-8,39%), xuống 4.707,91 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên bán tháo mạnh đầu tuần khi nỗi lo dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới và sự sụp đổ của giá dầu thô. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất 2 năm. Các chỉ số khác trong khu vực cũng mất từ hơn 3% đến hơn 6%.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.050,99 điểm (-5,07%), xuống 19.698,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 91,22 điểm (-3,01%), xuống 2.943,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.106,21 điểm (-4,23%), xuống 25.040,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 85,45 điểm (-4,19%), xuống 1.954,77 điểm.
Bất chấp sự hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và dầu thô, giá vàng cũng không thể bứt lên trong phiên đầu tuần, mà chỉ lình xình và đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD (+0,39%), lên 1.679,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 3,3 USD (+0,20%), lên 1.675,7 USD/ounce.
Cuộc chiến dầu mỏ giá Nga và OPEC đã đẩy giá dầu thô sụp đổ trong phiên thứ Hai với mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến Vùng vịnh 1991, thậm chí có lúc giá dầu thô Brent đã giảm tới hơn 31%.
Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 10,15 USD (-24,6%), xuống 31,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 10,91 USD (-24,1%), xuống 34,36 USD/thùng.