Giới đầu tư hồ hởi với những thông tin mới

Giới đầu tư hồ hởi với những thông tin mới

(ĐTCK) Sau dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ được công bố, cũng như lo ngại về áp lực lạm phát giảm bớt, cả thị trường chứng khoán và dầu thô đều khởi sắc trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Trong những phiên đầu tháng 2, lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng khiến Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, phố Wall đã có những phiên lao dốc mạnh, kéo chứng khoán toàn cầu lao dốc theo.

Sau đó, thị trường dần hồi phục từ cuối tháng 2, nhưng tuần qua thị trường cũng có những phiên chao đảo sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 10%, gây lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Tưởng chừng thị trường sẽ tiếp tục lao dốc khi ông Trump chính thức ký sắc lệnh chính thức áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm như tuyên bố, thì thị trường bất ngờ lại bật tăng trong phiên thứ Năm và khởi sắc trong phiên thứ Sáu nhờ các thông tin kinh tế tích cực của Mỹ được công bố.

Cụ thể, trong ngày thứ Sáu tuần trước (9/3), Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp có thêm 313.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn rất nhiều so với con số 200.000 việc làm như dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, tiền lương bình quân theo giờ chỉ tăng 0,1% so với mức tăng 0,3% trong tháng Giêng. Điều này khiến lo lắng về lạm phát được giảm bớt, kích thích giới đầu tư xuống tiền mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch gặp nhau.

Đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần giúp Dow Jones lên mức cao nhất hơn 1 tuần, S&P 500 lên mức cao nhất hơn 1 tháng, còn Nasdaq lên mức đỉnh lịch sử mới.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 440,53 điểm (+1,77%), lên 25.335,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,60 điểm (+1,74%), lên 2.786,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 132,86 (+1,79%), lên 7.560,81 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,25% sau khi giảm 3,05% trong tuần trước đó, chỉ số S&P 500 tăng 3,54% sau khi giảm 2,04% trong tuần trước đó và chỉ số Nasdaq tăng tới 4,17% sau khi giảm 1,08% trong tuần trước đó. Như vậy, với những phiên khởi sắc đầu tuần và cuối tuần, phố Wall đã lấy lại hết cả vốn lẫn lãi đã mất trong tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo lắng về cuộc chiến thương mại, các thị trường chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong gần như suốt phiên.Tuy nhiên, về cuối phiên, sau khi dữ liệu việc làm khả quan cua Mỹ được công bố, các chỉ số chính trên thị trường châu Âu đã đảo chiều bật tăng trở lại, chỉ có chứng khoán Đức kém may mắn đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,27 điểm (+0,30%), lên 7.224,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,89 điểm (-0,07%), xuống 12.346,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,31 điểm (+0,39%), lên 5.274,40 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,19%, lấy lại gần hết những gì đã mất trong tuần trước đó và chấm dứt 2 tuần giảm liên tiếp (tuần trước đó giảm 2,41%). Chỉ số DAX cũng hồi phục 3,63% sau khi mất tới 4,57% trong tuần trước đó. Chỉ số CAC 40 cũng lấy lại được 2,68% sau khi để mất 3,40% trong tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù mối lo về cuộc chiến thương mại vẫn còn đó, nhưng nhờ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giảm nhiệt giúp chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 101,13 điểm (+0,47%), lên 21.469,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 341,69 điểm (+1,11%), lên  30.996,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,76 điểm (+0,57%), lên 3.307,17 điểm.

Trong tuần, các chỉ số chính của chứng khoán châu Á đồng loạt lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh mạnh trước đó. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,36% sau khi giảm 3,25% trong tuần trước đó, chỉ số Hang Seng tăng 1,35% sau khi giảm 2,19% trong tuần trước đó và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,62% sau khi giảm 1,05% trong tuần trước đó.

Trên thị trường, giá kim loại quý này chủ yếu cũng lình xình dưới mức giá đóng cửa của phiên trước đó, nhưng về cuối phiên, đã hồi phục trở lại khi đồng USD điều chỉnh.

Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay tăng 1,5 USD/ounce (+0,11%), lên 1.323,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 2,3 USD/ounce (+0,17%), lên 1.324,0 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng đã hồi phục nhẹ sau 2 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm trên dưới 2%. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,04% và giá vàng giao tháng 4 cũng chỉ hồi 0,02%.

Với việc dữ liệu kinh tế khả quan, địa chính trị không còn căng thẳng, cả giới đầu tư và phân tích, nhất là các nhà phân tích đánh giá, giá vàng sẽ không có động lực để đi lên trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó chỉ có 2 người, chiếm 12% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn rất nhiều con số 67% của tuần trước; trong khi có tới 11 người, chiếm 65% dự báo giảm, cao hơn rất nhiều so với mức 14% của tuần trước; và 4 người còn lại, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 663 lượt người tham gia, trong đó có 270 lượt, chiếm 41% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, thấp hơn con số 50% của tuần trước đó; có 314 lượt bình chọn, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn mức 35% của tuần trước; 79 lượt, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.

Không chỉ chứng khoán, giá dầu thô cũng tăng vọt trong phiên cuối tuần trước sau dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố, cùng với thông tin OPEC và các nước sản xuất lớn có khả năng sẽ nhóm họp để bàn về thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tới năm 2019.

Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,92 USD (+3,09%), lên 62,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,88 USD (+2,87%), lên 65,49 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,29%, lấy lại được một phần những gì đã mất trong tuần trước đó (tuần trước đó giảm 3,62%). Tương tự, giá dầu thô Brent cũng hồi phục 1,74% sau khi giảm 4,37% trong tuần trước đó.

Tin bài liên quan