Khởi đầu tuần mới, tâm điểm của chứng khoán Mỹ đổ dồn vào các công ty công nghệ lớn như Facebook, Netflix, Twitter, Nvidia.
Facebook tăng hơn 4% khi một thẩm phán Mỹ cho phép “gã khổng lồ” công nghệ này bác một vụ kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang, đưa vốn hoá thị trường của Facebook vượt 1.000 tỷ USD sau khi kết thúc phiên.
Trong kho đó, cổ phiếu Nvidia tăng 5,0% sau khi thương vụ mua lại nhà thiết kế chip Arm của Anh trị giá 40 tỷ USD của Nvidia nhận được sự ủng hộ từ các đối thủ Broadcom, Marvell và MediaTek. Thương vụ mua lại Arm được Nvidia công bố vào tháng 9 năm ngoái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà sản xuất chip trên thị trường cho rằng, Nvidia có thể hạn chế việc cung cấp công nghệ của Arm cho các đối thủ cạnh tranh hoặc tăng giá.
Ngược lại, các cổ phiếu chu kỳ giảm trong phiên trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng đột biến các trường hợp Covid-19 trên khắp châu Á. Cổ phiếu tài chính và năng lượng là hai lĩnh vực giảm mạnh nhất trên S&P 500 đêm qua, lần lượt giảm 0,81% và 3,33%.
Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung vào dữ liệu niềm tin của người tiêu dùng, báo cáo việc làm của khu vực vực tư nhân và báo cáo việc làm hàng tháng quan trọng được công bố vào cuối tuần.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones giảm 150,57 điểm (-0,44%), xuống 34.283,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,91 điểm (+0,23%), lên 4.290,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 140,12 điểm (+0,98%), lên 14.500,51 điểm.
Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên ngày thứ Hai, dẫn dầu đà giảm là nhóm cổ phiếu du lịch do lo ngại về lệnh cấm đối với khách du lịch Anh, trong khi sự gia tăng đột biến ở châu Á nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến giá dầu thô và chứng kiến cổ phiếu năng lượng giảm hơn 2%.
Kết thúc phiên 28/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,10 điểm (-0,88%), xuống 7.072,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 53,79 điểm (-0,34%), xuống 15.554,18. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 64,85điểm (-0,98%), xuống 6.558,02 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản Nhật Bản ít thay đổi, khi các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa gần như không đổi, khi nhà đầu tư chờ đợi số liệu PMI sẽ được công bố trong tuần.
Chứng khoán Hồng Kông chỉ giao dịch trong phiên chiều và đóng cửa giảm nhẹ, sau phiên sáng bị hủy giao dịch bởi cảnh báo mưa bão.
Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc gần như không đổi, khi các nhà đầu tư thận trọng, không đặt cược lớn trước một loạt dữ liệu kinh tế được công bố vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 18,16 điểm (-0,06%), xuống 29.048,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,19 điểm (-0,03%), xuống 3.606,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 19,92 điểm (-0,06%), xuống 29.268,30 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,95 điểm (-0,03%), xuống 3.301,89 điểm.
Giá vàng hôm nay giảm trong bối cảnh USD hồi phục. Hôm 28/6, một quan chức của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận định ECB có thể tung thêm tiền ra thị trường nhằm hỗ trợ nền kinh tế cho các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro khiến đồng USD tăng giá mạnh.
Kết thúc phiên 28/6, giá vàng giao giảm 3,10 USD (-0,17%), xuống 1.774,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,90 USD (+0,16%), lên 1.780,70 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến ở châu Á, dấy lên lo ngại kìm hãm đà phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường cũng thận trọng trước cuộc họp OPEC+ vào tuần này.
Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,14 USD (-1,5%), xuống 72,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,50 USD (-2,0%), xuống 74,58USD/thùng.