Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hào hứng với tin vui về vắc-xin và kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ tăng tốt trong phiên cuối tuần qua (10/7) nhờ thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid và thông tin kinh tế khả quan từ Mỹ tới Ý và Pháp.

Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng trở lại trong phiên cuối tuần khi thông tin tích cực về thuốc kháng sinh của Gilead Science Inc bù đắp cho nỗi sợ số ca lây nhiễm Covid-19 liên tiếp lập kỷ lục mới trong một ngày tại Mỹ. Trong đó, Nasdaq có lần thứ 6 thiết lập đỉnh cao lịch sử trong 7 phiên giao dịch gần đây.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tiếp tục cải thiện khi số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tháng vào tuần trước, trong khi sản lượng công nghiệp của Ý và Pháp cải thiện mạnh trong tháng 5 sau khi sụt giảm 2 tháng trước do lênh phong tỏa để đối phó với Covid.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 369,21 điểm (+1,44%), lên 26.075,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,99 điểm (+1,05%), lên 3.185,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 69,69 điểm (+0,66%), lên 10.617,44 điểm.

Phiên tăng cuối tuần giúp phố Wall có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,96%, S&P tăng 1,76% và Nasdaq thậm chí tăng tới 4,01%.

Cổ phiếu châu Âu đã tăng vào thứ Sáu sau khi dữ liệu sản lượng công nghiệp lạc quan từ Ý và Pháp làm tăng hy vọng về sự phục hồi kinh tế, ngay cả khi các trường hợp coronavirus trên toàn thế giới tăng đột biến.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,79 điểm (+0,76%), lên 6.095,41 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 144,25 điểm (+1,15%), lên 12.633,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 49,48 điểm (+1,01%), lên 4.970,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu có sự trái chiều, trong khi chứng khoán Anh có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, chứng khoán Pháp quay đầu giảm trở lại sau tuần hồi phục trước đó, thì chứng khoán Đức lại có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,01%, chỉ số DAX tăng 0,84% và CAC40 giảm 0,73%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần do áp lực chốt lời, cũng như số ca lây nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản bất ngờ gia tăng trở lại. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 238,48 điểm (-1,06%), xuống 22.290,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 67,27 điểm (-1,95%), xuống 3.383,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 482,75 điểm (-1,84%), xuống 26.727,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 17,65 điểm (-0,81%), xuống 2.150,25 điểm.  

Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm nhẹ thứ 3 liên tiếp, Hàn Quốc giảm tuần thứ 2 liên tiếp, thì chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng thứ 2 liên tiếp và Trung Quốc có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,07%, chỉ số Hang Seng tăng 5,34%, chỉ số Shanghai Composite tăng 7,31%, còn Kospi giảm 0,10%.

Giá vàng điều chỉnh nhẹ trở lại do áp lực chốt lời khi giá kim loại quý này lần đầu tiên kể từ 20/9/2011 lên trên mốc 1.800 USD/ounce.

Kết thúc phiên 10/7, giá vàng giao ngay giảm 3,9 USD (-0,22%), xuống 1.798,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,9 USD (-0,11%), xuống 1.801,9 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 1,36%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,82%.

Dù dữ liệu kinh tế bắt đầu khả quan, nhưng với làn sóng bùng phát Covid lần thứ 2, cả giới phân tích và đầu tư phần lớn vẫn đặt vào cửa giá vàng tiếp tục tăng cao hơn, đặc biệt là giới phân tích.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát có 15 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 88%, chỉ có 2 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 12% và không có ai dự báo đi ngang.

Tương tự, trong 1.610 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.078 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 67%, 300 lượt dự báo giá giảm, chiếm 17% và 232 lượt dự báo đi ngang, chiếm 14%.

Giá dầu thô lại tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi Cơ quan Năng lượng quốc tế tăng dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020, nhưng cảnh báo sự lây lan của Covid có nguy cơ dẫn tới sự sụt giảm trở lại.

Kết thúc phiên 10/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,93 USD (+2,29%), lên 40,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,88 USD (+2,06%), lên 43,24 USD/thùng.

Dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn quay đầu điều chỉnh nhẹ trong tuần qua khi mất 0,25%, còn giá dầu thô Brent duy trì tuần tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng mức tăng không mạnh, chỉ 0,23%.

Tin bài liên quan