Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall đồng loạt tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố, bù đắp cho nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 7 khu vực phi nông nghiệp tạo thêm 157.000 việc làm, thấp hơn mức dự báo 190.000 việc làm của giới phân tích. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%.
Các dữ liệu mới công bố cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 tăng 7,3%, lên 46,3 tỷ USD, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2016.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 136,42 điểm (+0,54%), lên 25.462,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,13 điểm (+0,46%), lên 2.840,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,33 điểm (+0,12%), lên 7.812,01 điểm.
Kết quả kinh doanh khả quan đã giúp phố Wall có tuần tăng tốt, trong đó S&P 500 có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chuỗi tăng mạnh nhất trong năm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,05%, chỉ số S&P 500 tăng 0,76% và Nasdaq tăng tốt nhất với 0,96%.
Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối nhờ kết quả kinh doanh tích cực của khối ngân hàng vừa được công bố và nhà đầu hưng phấn trước việc Apple trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 83,17 điểm (+1,10%), lên 7.659,10 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 69,43 điểm (+0,55%), lên 12.615,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,00 điểm (+0,33%), lên 5.478,98 điểm.
Tuy hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi tuần giảm điểm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,55%, chỉ số DAX 30 giảm 1,90% vầ chỉ số CAC 40 giảm 0,59%.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, lo lắng về chiến tranh thương mại leo thang khiến chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục mất điểm trong phiên cuối tuần, trong khi đà tăng của chứng khoán Nhật Bản hãm lại vào cuối phiên chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 12,65 điểm (+0,06%), lên 22.525,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 38,24 điểm (-0,14%), xuống 27.676,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,58 điểm (-1,00%), xuống 2.740,44 điểm.
Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng có tuần giảm điểm, thậm chí mức giảm mạnh hơn rất nhiều. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83%, chỉ số Hang Seng giảm 3,92% và chỉ số Shanghai Composite giảm 4,63%.
Với dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, giá kim loại quý này cũng không tránh khỏi tuần giảm mạnh.
Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay tăng 6,1 USD (+0,51%), lên 1.213,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,1 USD/ounce (+0,25%), lên 1.223,2 USD/ounce.
Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng trong tuần, giá vàng giao ngay vẫn giảm 0,72% và giá vàng giao tháng 12 giảm 1,45%.
Sau tuần giảm mạnh này, cùng với các dữ liệu vừa công bố giới phân tích đã có cái nhìn tích cực hơn về xu hướng của giá vàng trong tuần mới khi đa số dự báo giá vàng sẽ hồi phục trở lại, trong khi đa số nhà đầu tư vẫn có cái nhìn thận trọng.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 8 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ hồi phục trở lại, 6 người, chiếm 38% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 2 người, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, trong 989 lượt nhà đầu tư trả lời trực tuyến, có 559 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ giảm, chỉ có 313 lượt, chiếm 32% dự báo giá vàng sẽ tăng và 117 lượt, chiếm 12% giữ quan điểm trung lập.
Sau khi hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm sau dữ liệu hàng tồn kho dầu thô của Mỹ tuần trước giảm mạnh, giá dầu thô đã nhanh chóng đảo chiều trong phiên cuối tuần trước nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang.
Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,47 USD (-0,68%), xuống 68,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,33%), xuống 73,21 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm nhẹ 0,29%, còn giá dầu thô Brent giảm 2,07%.