Trong phiên thứ Ba, Dow Jones đảo chiều do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tài chính, trong khi S&P và Nasdaq vẫn có được sắc xanh, đặc biệt Nasdaq có phiên thứ 2 liên tiếp lập kỷ lục mới. Trong phiên thứ Tư, phố Wall đồng loạt khởi sắc, nhất là Dow Jones với mức tăng tới 1,4% nhờ đà tăng mạnh trở lại của nhóm cổ phiếu tài chính sau dữ liệu kinh tế tích cực và Nasdaq cũng có phiên thứ 3 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Những thông tin kinh tế khả quan vừa được công bố trong khi nỗ lo về chiến tranh thương mại bị đẩy lùi thành thứ yếu với những tình tiết mới đưa ra để làm giảm nhiệt cuộc chiến này.
Cụ thể, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tuần này. Trong đó, các nhà lãnh đạo sẽ bàn về những vướng mắc trong vấn đề thương mại.
Ngoài ra, các thông tin khác cho biết, các quan chức Mỹ đang đề xuất Trung Quốc nhập thêm 70 tỷ USD hàng hóa của Mỹ khi Bắc Kinh đang cố xoa dịu một cuộc chiến thương mại.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao gần 2 tuần sau khi dữ liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng trong tháng 4, hỗ trợ quan điểm tăng trưởng kinh tế trong nước trong quý II.
Lợi tức trái phiếu tăng đã kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính tăng mạnh theo sau khi điều chỉnh trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Dow Jones tăng 346,41 điểm (+1,40%), lên 25.146,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,55 điểm (+0,86%), lên 2.772,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,38 điểm (+0,67%), lên 7.689,24 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch giằng co khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, có thể tăng lãi suất đồng euro và kết thúc chương trình mua trái phiếu khi lạm phát đang trên đường tiến tới mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính bởi sẽ là nhóm được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất, nên chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa trong sắc xanh khi chốt phiên, ngoại trừ chứng khoán Pháp thiếu chút may mắn.
Kết thúc phiên 6/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,57 điểm (+0,33%), lên 7.712,37 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 42,94 điểm (+0,34%), lên 12.830,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,38 điểm (-0,06%), xuống 5.457,56 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư với chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất 2 tháng, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 5 liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc chỉ có được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 86,19 điểm (+0,38%), lên 22.625,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 165,65 điểm (+0,53%), lên 31.259,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,97 điểm (+0,03%), lên 3.115,18 điểm.
Trên thị trường vàng, một lần nữa giá kim loại quý lại gặp khó với ngưỡng cản 1.300 USD/ounce. Trong phiên thứ Tư, giá vàng giằng co quanh mức đóng cửa trước đó trong phiên châu Á và châu Âu, rồi bất ngờ tăng vọt khi bước vào phiên Mỹ do đồng USD tiếp tục giảm. Dù vậy, khi vượt qua ngưỡng 1.300 USD, giá kim loại quý này đã bị đẩy trở lại khi chứng khoán khởi sắc và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 6/6, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.295,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,4 USD/ounce (-0,03%), xuống 1.297,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm nhẹ 0,4 USD, xuống 1.301,8 USD/ounce.
Sau phiên hồi phục hôm thứ Ba, giá dầu thô đã nhanh chóng trả lại hết khi quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch thứ Tư khi dữ liệu mới công bố cho thấy, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong khi giới phân tích dự báo giảm 1,8 triệu thùng.
Cũng theo báo cáo của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 10,8 triệu thùng/ngày trong tuần qua.
Kết thúc phiên 6/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,79 USD (-1,22%), xuống 64,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 75,36 USD/thùng.