Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm dù đà tăng không lớn như phiên trước đó. Cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng điểm trong phiên, trong đó S&P 500 đóng cửa chỉ còn cách đỉnh cao lịch sử một vài bước chân khi giới đầu tư phản ứng tích cực với thông tin thương chiến có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, sau khi Trung Quốc đưa ra danh sách các hàng hóa của Mỹ được hoãn thuế bổ sung trong thời hạn 1 năm, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố hoãn thời gian tăng thuế thêm 5% với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc để tránh ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Ngoài thông tin thương chiến, giới đầu tư cũng phản ứng tích cực khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ hơn kỳ vọng trong cuộc họp vừa kết thúc.
Theo eeos, ECB đã hạ lãi suất 0,1% xuống mức -0,5% và cũng công bố chương trình mua trái phiếu giảm giá định lượng đầu tư mới, là mức lớn nhất trong hơn 3 năm. Hành đồng này giúp giới đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới sẽ theo sau, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) với cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần tới.
Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Dow Jones tăng 45,41 điểm (+0,17%), lên 27.182,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,64 điểm (+0,29%), lên 3.009,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 24,79 điểm (+0,30%), lên 8.194,47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, đang lình xình chờ kết quả cuộc họp của ECB, sau khi kết quả được công bố, các chỉ số chính của thị trường châu Âu đã bật mạnh và tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 12/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,64 điểm (+0,09%), lên 7.344,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,18 điểm (+0,41%), lên 12.410,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,80 điểm (+0,44%), lên 5.642,86 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng điểm, trong đó chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 8 liên tiếp nhờ dấu hiệu hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trước vòng đám phán tiếp theo. Trong khi đó, với những nỗi lo nội tại về bất ổn do các cuộc biểu tình, chứng khoán Hồng Kông giảm điểm trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,85 điểm (+0,75%), lên 21.759,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,42 điểm (+0,75%), lên 3.031,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 71,43 điểm (-0,26%), xuống 27.087,63 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi điều chỉnh trong phiên châu Á, giá vàng bật tăng vọt trong phiên châu Âu khi ECB quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn kỳ vọng của giới đầu tư, làm gia tăng kỳ vọng các ngân hàng trung ương khác, trong đó có Fed sẽ hành động theo. Tuy nhiên, khi leo qua ngưỡng 1.520 USD/ounce, giá vàng đã quay đầu đi xuống trong phiên Mỹ sau khi một báo cáo của Newswire cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump sẽ sớm tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bao gồm cả việc lùi thời hạn áp dụng thuế quan mới với hàng hóa của Trung Quốc. Dù vậy, giá vàng sau đó vẫn giữ được đà tăng khi chốt phiên sau khi Tổng thống Trump lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Kết thúc phiên 12/9, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD (+0,13%), lên 1.498,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,2 USD (+0,28%), lên 1.507,4 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp bất chấp những thông tin tích cực hỗ trợ nền kinh tế.
Kết thúc phiên 12/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,66 USD (-1,20%), xuống 55,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,43 USD (-0,71%), xuống 60,38 USD/thùng.