Thứ Ba, mọi con mắt trên thị trường đổ dồn vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed. Tuyên bố sẽ được các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra tuyên bố vào cuối ngày thứ Tư. Fed được dự báo vẫn sẽ chưa có bất kỳ động thái nào. Tuy nhiên, những nhận định về lãi suất, lạm phát và triển vọng nền kinh tế có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường.
Bên cạnh đó, Fed cũng được dự đoán sẽ công bố kế hoạch giảm bớt chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.
Mặt khác, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Ba dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 5 giảm 1,3%, giảm mạnh hơn so với dự báo 0,7% từ các chuyên gia kinh tế Dow Jones.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng nhanh trong tháng trước khi các chuỗi cung ứng vật lộn để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế mở cửa trở lại. Cụ thể, PPI tháng 5 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2010. So với tháng 4, PPI tháng 5 tăng 0,8%, cao hơn mức tăng 0,6% được dự báo trước đó.
Ngoài ra, cổ phiếu Boeing tăng 0,6% trong phiên sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đình chiến trong cuộc xung đột kéo dài 17 năm về trợ cấp máy bay liên quan đến hãng sản xuất máy bay này và đối thủ Airbus.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 94,42 điểm (-0,27%), xuống 34.299,33 điểm. Chỉ số S&P giảm 8,56 điểm (-0,20%), xuống 4.246,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 101,29 điểm (-0,71%), xuống 14.072,86 điểm.
Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu phủ sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed với tâm lý thoải mái.
Những tín hiệu ôn hòa từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc thắt chặt chính sách đã làm sáng tỏ triển vọng ngắn hạn đối với các tài sản chịu rủi ro ở khu vực này. Đồng thời, thị trường cũng tiếp tục đặt kỳ vọng vào chương trình tiêm chủng ổn định sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong năm nay.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,80 điểm (+0,36%), lên 7.172,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 55,88 điểm (+0,36%), lên 15.729,52. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,17 điểm (+0,35%), lên 6.639,52 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu công nghệ nhờ sự ảnh hưởng từ phố Wall đêm trước.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư. Chứng khoán Hồng Kông giảm theo chân thị trường Đại lục.
Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng, tuy nhiên đà đi lên bị chặn lại khá nhiều khi các nhà đầu tư hạn chế đặt cược lớn trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 279,50 điểm (+0,96%), lên 29.441,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,19 điểm (-0,92%), xuống 3.556,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 203,6 điểm (-0,71%), xuống 28.638,53 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,5 điểm (+0,20%), lên 3.258,63 điểm.
Giá vàng phiên ngày thứ 3 tiếp tục lao dốc trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu tăng và nhà đầu tư đứng ngoài chờ động thái từ cuộc họp của Fed. Đồng thời, áp lực lạm phát đang đè nặng lên hầu hết các thị trường tài chính, trong đó có thị trường kim loại quý.
Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay giảm 7,20 USD (-0,38%), xuống 1.858,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 9,50 USD (-0,51%), xuống 1.856,40 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục neo cao trong phiên ngày thứ Ba, được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm 2021. Dầu thô Brent đạt mức cao nhất kể từ 4/2019, dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ 10/2018.
Reuters trích dẫn nguồn tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba tiết lộ, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/6, trong khi dự trữ xăng tăng 2,85 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,96 triệu thùng. Dữ liệu chính thức của chính phủ sẽ được công bố vào thứ Tư.
Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,24 USD (+1,8%), lên 72,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,13 USD (+1,6), lên 73,99 USD/thùng.