Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đối mặt với nỗi lo lớn

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc và của khu vực eurozone vừa đưa ra khiến giới đầu tư đứng trước nỗi lo lớn là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Phố Wall trọn 5 phiên giảm điểm trong tuần giao dịch vừa qua khi những thông tin tiêu cực về kinh tế được công bố.

Trong phiên thứ giao dịch cuối tuần qua (8/3), giới đầu tư nhận hàng loạt tin xấu về kinh tế.

Đầu tiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng khu vực đồng tiền chung (eurozone) từ 1,7% xuống 1,1% và cho biết chương trình kích thích hoạt động tái tài trợ dài hạn ((TLTRO) sẽ có mục tiêu mới sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019 và kéo dài đến tháng 3/2021.

Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tính bằng USD của Trung Quốc giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Nhập khẩu giảm 5,2%.

Chưa hết, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, trong tháng 2, nền kinh tế phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tạo thêm 20.000 việc làm trong bối cảnh biên chế xây dựng và một số lĩnh vực khác bị thu hẹp, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ gần như bị đình trệ trong tháng 2 và ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng trưởng của quý I.

Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế khá nhiều vào cuối phiên khi nhà đầu tư bình tĩnh để xem xét kỹ trở lại các dữ liệu kinh tế vừa công bố, bởi cho rằng dữ liệu việc làm yếu là do yếu tố mùa vụ.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones giảm 22,99 điểm (-0,09%), xuống 25.450,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,86 điểm (-0,21%), xuống 2.743,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 13,32 điểm (-0,18%), xuống 7.408,14 điểm.

Với trọn 1 tuần giảm điểm, trong tuần qua, Dow Jones giảm 2,21%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, chỉ số S&P 500 đảo chiều giảm 2,16% và đặc biệt Nasdaq giảm 2,46%, chấm dứt chuỗi 10 tuần tăng liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 1999.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm do hàng loạt dữ liệu kinh tế yếu kém được công bố, nhất là việc ECB hạ dự báo tăng trưởng khu vực đồng eurozone.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 53,24 điểm (-0,74%), xuống 7.104,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,96 điểm (-0,52%), xuống 11.457,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 36,69 điểm (-0,70%), xuống 5.231,22 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tiếp tục giảm 0,03%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp, chỉ số DAX cũng đảo chiều giảm 1,24%, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp và chỉ số CAC40 cũng chấm dứt chuỗi 3 tuần thứ 3 liên tiếp khi đảo chiều giảm 0,65%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu xuất khẩu tháng 2 yếu kém của Trung Quốc được công bố, cùng với việc nỗi lo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đã kích hoạt lực bán tháo diễn ra trên thị trường châu Á, đẩy nhiều chỉ số lao dốc, trong đó chứng khoán Trung Quốc mất tới 4,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 430,45 điểm (-2,01%), xuống 21.025,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 136,56 điểm (-4,40%), xuống 2.969,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 551,03 điểm (-1,91%), xuống 28.228,42 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,67%, chấm dứt chuỗi  3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Hang Seng tiếp tục giảm 2,03%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp và đặc biệt sau 8 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Shanghai Composite đã điều chỉnh giảm 2,03%.

Trên thị trường vàng, với hàng loạt thông tin kinh tế yếu kém được công bố, kéo chứng khoán và USD giảm, qua đó đẩy giá vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 8/3, giá vàng giao ngay tăng 12,5 USD (+0,97%), lên 1.297,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 12,5 USD (+0,97%), lên 1.298,6 USD/ounce.

Phiên tăng mạnh cuối tuần đã lấy lại hết những gì đã mất trước đó, giúp giá vàng hồi phục trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,37% sau khi giảm 2,64% tuần trước, giá vàng tương lai tăng 0,32% sau khi giảm 2,72% tuần trước đó.

Những diễn biến mới khiến phân tích có cái nhìn rất lạc quan với đà tăng của giá kim loại quý này.

Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, chỉ có 12 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 86%, cao hơn nhiều so với con số 31% của tuần trước; trong khi chỉ có 1 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 7%, thấp hơn so nhiều so với con số 44% của tuần trước và 1 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 7%.

Tương tự, trong 538 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 274 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 51%, tương đương tuần trước; 177 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 33%, thấp hơn so con số 35% của tuần trước và 87 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 16%.

Giá dầu thô cũng quay đầu giảm khi dữ liệu kinh tế yếu kém, tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt nhờ thông tin nguồn cung cũng được tiết giảm. Theo đó, sản lượng dầu thô của Ả Rập Saudi trong tháng 2 đã giảm xuống còn 10,136 triệu thùng mỗi ngày. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngành công nghiệp dầu mỏ của các thành viên OPEC Iran và Venezuela cũng đã hỗ trợ cho giá dầu thô.

Kết thúc phiên 8/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,59 USD (-1,05%), xuống 56,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,56 USD (-0,85%), xuống 65,74 USD/thùng.

Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn hồi phục 0,48% trong tuần qua sau khi giảm 2,55% trong tuần trước. Giá dầu thô Brent cũng tăng 1,03% sau khi giảm 1,65% tuần trước đó.

Tin bài liên quan