Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đối mặt với những nỗi lo mới

(ĐTCK) Sau những phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước, chứng khoán toàn cầu đã đảo chiều giảm điểm trong phiên đầu tuần mới khi những nỗi lo mới xuất hiện.

Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị nặng lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận quý IV không như kỳ vọng của phố Wall do nhu cầu giảm ở Trung Quốc và chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Sau báo cáo kết quả kinh doanh, cổ phiếu Caterpillar giảm tới 9,13%.

Tương tự, cổ phiếu Nvidia giảm tới 13,82% sau khi nhà sản xuất chip này cắt giảm ước tính doanh thu quý IV nửa tỷ USD cũng do nhu cầu chip chơi game tại Trung Quốc thấp.

Trong khi đó, một báo cáo mới công bố cho thấy, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 12/2018 càng dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi cuộc đàm phán thương mại kế tiếp giữa Washington và Bắc Kinh trong ngày thứ Tư và thứ Năm tới.

Những tác động trên khiến phố Wall quay đầu điều chỉnh khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Dow Jones giảm 208,98 điểm (-0,84%), xuống 24.528,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,91 điểm (-0,78%), xuống 2.643,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 79,18 điểm (-1,11%), xuống 7.085,68 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi kỳ vọng về việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận mờ nhạt dần, trong khi nỗi lo về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu lại trở lại.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 62,12 điểm (-0,91%), xuống 6.747,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 71,48 điểm (-0,63%), xuống 11.210,31 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 37,24 điểm (-0,76%), xuống 4.888,58 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần do đồng yên tăng giá, gây áp lực lên các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông ít thay đổi khi các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại kế tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 124,56 điểm (-0,60%), xuống 20.649,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,75 điểm (-0,18%), xuống 2.596,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,77 điểm (+0,03%), lên 27.576,96 điểm..

Trong khi đó, sau phiên tăng vọt cuối tuần trước, giá vàng đã lình xình trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa ít thay đổi.

Kết thúc phiên 28/1, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.302,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 5 USD (+0,39%), lên 1.303,1 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại nên giá dầu thô giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau 2 phiên tăng cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 28/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,59 USD (-2,96%), xuống 52,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,64 USD (-2,66%), xuống 59,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan