Báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số ISM trong lịch vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 6 tăng vọt lên mức 57,1 điểm, từ mức 45,4 của tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 2.
Ngoài ra, kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh hơn dự báo của kinh tế Trung Quốc, cùng với sự bùng nổ trước đó của chứng khoán nước này cũng giúp giới đầu tư phố Wall tự tin xuống tiền, đẩy các chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, trong đó Nasdaq một lần nữa lên mức cao nhất mọi thời đại.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones tăng 459,67 điểm (+1,78%), lên 26.287,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,71 điểm (+1,59%), lên 3.179,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 226,02 điểm (+2,21%), lên 10.433,65 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên khởi sắc leo lên mức cao nhất gần 1 tháng khi dữ liệu kinh tế lạc quan và sự bùng nổ của chứng khoán Trung Quốc trước đó.
Ngoài ra, dữ liệu mới công bố cho thấy sự phục hồi kỷ lục trong doanh số bán lẻ của khu vực đồng euro vào tháng 5 sau tháng sụt giảm lịch sử do đại dịch trước đó. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố trước đó cũng góp phần giúp chứng khoán châu Âu khởi sắc.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 128,64 điểm (+2,09%), lên 6.285,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 205,27 điểm (+1,64%), lên 12.733,45 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 74,38 điểm (+1,49%), lên 5.081,51 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên khởi sắc, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc tăng gần 6% khi giới đầu tư phấn kích với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc và Bắc Kinh tiếp tục cải cách thị trường vốn.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 407,96 điểm (+1,83%), lên 22.714,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 180,07 điểm (+5,71%), lên 3.332,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 966,04 điểm (+3,81%), lên 26.339,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 35,52 điểm (+1,65%), lên 2.187,93 điểm.
Dù chứng khoán khởi sắc, nhưng giá vàng vẫn tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới khi giới đầu tư kỳ vọng sự phục hồi mạnh của Trung Quốc sẽ giúp gia tăng nhu cầu với kim loại quý này như là một loại nguyên liệu hơn là tài sản, hay kênh đầu tư trú ẩn.
Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao ngay tăng 10,7 USD (+0,60%), lên 1.785,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,5 USD (+0,20%), lên 1.793,5 USD/ounce.
Giá dầu lại đóng cửa gần như không thay đổi trong phiên đầu tuần khi sự kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế bù đắp cho nỗi lo dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ và một số nơi khác.
Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,02 USD (-0,05%), xuống 40,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,04 USD (-0,09%), xuống 43,10 USD/thùng.