Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đặt cược vào Fed

(ĐTCK) Đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm sau dữ liệu việc làm được công bố giúp Dow Jones và S&P 500 duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần (6/9).

Không như kỳ vọng, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vừa công bố cho thấy, trong tháng 9, nên kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 130.000 việc làm, thấp hơn mức kỳ vọng 158.000 việc làm. Trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,4% trong tháng trước với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2, nhưng mức tăng hàng năm giảm xuống còn 3,2% từ mức 3,3% trong tháng 7.

Dữ liệu này củng cố thêm kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng Fed sẽ giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm nay trong cuộc họp diễn ra sắp tới.

Phát biểu tại Đại học Zurich hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, thị trường lao động rất mạnh và ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng vai trò là người thích hợp để duy trì mở rộng kinh tế. Ông cũng cho biết, Mỹ và nền kinh tế thế giới không có khả năng rơi vào suy thoái.

Trước đó, Ngân hàngTtrung ương Trung Quốc cho biết, họ sẽ giảm lượng dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, qua đó giải phóng tổng cộng 900 tỷ nhân dân tệ (126,35 tỷ USD) vào nên kinh tế để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh thương chiến với Mỹ leo thang.

Thông tin trên giúp Dow Jones và S&P 500 duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Sáu, trong khi Nasdaq lại không có được may mắn đó khi đảo chiều giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones tăng 69,31 điểm (+0,26%), lên 26.797,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,71 điểm (+0,09%), lên 2.978,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 13,75 điểm (-0,17%), xuống 8.103,07 điểm.

Các phiên tăng liên tiếp cuối tuần với kỳ vọng Mỹ - Trung nối lại đàm phán giúp phố Wall có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,49%, S&P 500 tăng 1,79% và Nasdaq Composite tăng 1,76%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày thứ Sau nhờ động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, bất chấp bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ thấp hơn dự báo và sản lượng công nghiệp tháng 7 của Đức bất ngờ sụt giảm, thêm vào dấu hiệu cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kết thúc phiên 6/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,17 điểm (+0,15%), lên 7.282,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 64,95 điểm (+0,54%), lên 12.191,73 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,63 điểm (+0,19%), lên 5.603,99 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần tăng điểm với chỉ số FTSE 100 tăng 1,04% (tuần tăng thứ 2 liên tiếp), trong khi đó, chỉ số DAX tăng 2,11%, chỉ số CAC 40 tăng 2,25%, tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường tiếp tục duy trì đà tăng sau dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ được công bố trước đó, cùng với việc Mỹ - Trung lên kế hoạch vòng đàm phán thương mại tiếp theo vào đầu tháng 10. Ngoài ra, việc Trung Quốc cho biết sẽ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa, cùng với việc Hồng Kông rút dự luật dẫn độ cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Kết thúc phiên 6/9, chỉ  số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 113,63 điểm (+0,54%), lên 21.199,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,74 điểm (+0,46%), lên 2.999,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 175,23 điểm (+0,66%), lên 26.690,76 điểm.

Chuỗi phiên tăng liên tiếp giúp chứng khoán châu Á có tuần tăng mạnh trở lại sau khi điều chỉnh nhẹ trong tuần trước đó. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,39%, chỉ số Hang Seng tăng 3,76% và Shanghai Composite tăng 3,93%.

Các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ - Trung lên lịch đàm phán tiếp theo khiến vai trò trú ẩn của vàng suy giảm, đẩy giá kim loại quý này có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/9, giá vàng giao ngay giảm 12,2 USD (-0,80%), xuống 1.506,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,5 USD (-0,69%), xuống 1.515,0 USD/ounce.

Với những phiên điều giảm mạnh cuối tuần, giá vàng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt 0,86% và 0,94%.

Sau tuần thận trọng trước đó, giới chuyên gia đã có đánh giá tích cực trở lại với xu hướng tăng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư có cái nhìn thận trọng hơn.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 9 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 60%, cao hơn con số 40% của tuần trước, trong khi số người dự báo giảm và đi ngang đều là 3, chiếm 20%, thấp hơn con số chiếm 40% về dự báo giảm và tương đương về dự báo đi ngang.

Trong khi đó, trong 1.164 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 679 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 58%, thấp hơn so với con số 63% của tuần trước; 287 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 25%, cao hơn so với mức 21% của tuần trước và 198 người dự báo giá đi ngang, chiếm 17%.

Kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn, giá dầu thô duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,22 USD (+0,39%), lên 56,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+0,96%), lên 61,54 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,58%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent  có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 3,71%.

Tin bài liên quan