Thứ Sáu, nhóm cổ phiếu công nghệ nhảy vọt mang đến cho thị trường động lực mới. Microsoft, Cisco và Salesforce thuộc Dow Jones là những cổ phiếu tăng mạnh nhất khi nhà đầu tư đổ vào cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lo ngại phục hồi kinh tế chậm lại.
Nhóm cổ phiếu sản xuất con chip cũng tăng, dẫn đầu với cổ phiếu Nvidia vọt 5,1%. Cổ phiếu Tesla tiến 1% sau khi công ty này tổ chức Ngày trí tuệ nhân tạo vào ngày 19/8.
Nhóm cổ phiếu tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu suy yếu do lo ngại dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến sẽ khiến đà phục hồi kinh tế đứt gãy.
Bình quân 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận Trên 130.808 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, tăng 64% so với hai tuần trước và là mức cao nhất kể từ ngày 3/2. Tỷ lệ tử vong trung bình cũng tăng 113% trong khi số người nhập viện tăng 65% lên 76.088 người.
Robert Kaplan, một quan chức cao cấp của Fed hôm thứ Sáu cho biết với mức độ lây lan của biến thể delta gây Covid-19, chỉ có vắc-xin và khẩu trang là vũ khí chủ lực giúp doanh nghiệp Mỹ vượt qua dịch bệnh. Vì thế, việc ngân hàng trung ương duy trì động thái tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỷ USD thông qua thu mua tài sản để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tạo ra việc làm là không còn phù hợp.
Mặt khác, dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho thấy đà phục hồi đã qua đỉnh và mất đi một số động lực.
Dữ liệu được công bố từ Trung Quốc cho thấy doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều tăng chậm hơn so với dự báo. Sự chậm lại hiện ra rất rõ ràng.
Trở lại Mỹ chỉ số điều kiện kinh doanh chung trong cuộc khảo sát sản xuất Empire State của Fed New York đã giảm xuống 18,3 trong tháng 8, từ mức 43 trong tháng trước trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng con số này là 30. Sự lây lan của biến thể delta đang gây sức ép lên cả tiêu thụ và sản xuất, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Ngoài ra, mùa báo cáo quý II về cơ bản đã diễn ra theo đúng lộ trình với 476 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả. Trong số đó, 87,4%vượt kỳ vọng, theo dữ liệu của Refinitiv.
Bộ ba chỉ số chính đều khởi sắc trong phiên đêm qua. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Dow Futures lẫn Nasdaq Futures đều đang tăng tốt.
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Dow Jones tăng 225,96 điểm (+0,65%), lên 35.120,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,87 điểm (+0,81%), lên 4.441,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 172,87 điểm (+1,19%), lên 14.714,66 điểm.
Trong tuần, S&P 500 giảm 1,11%, Dow Jones giảm 0,59% và Nasdaq Composite giảm 0,73%.
Chứng khoán châu Âu quay đầu tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu nhờ cổ phiếu bán lẻ, song vẫn đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2021 do dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại và dịch bệnh hoành hành.
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,04 điểm (+0,41%), lên 7.081,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,23 điểm (+0,27%), lên 15.808,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,22 điểm (+0,31%), lên 6.626,11 điểm.
Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 1,81%, DAX giảm 1,06%, CAC 40 giảm 3,91%.
Chứng khoán châu Á tiếp tục đỏ lửa trong phiên giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật lao dốc do sau khi Toyota cắt giảm sản lượng trên toàn cầu, gây sức ép lên cổ phiếu ô tô.
Chứng khoán Trung Quốc giảm khi nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu sức ép lớn từ các quy định thắt chặt của chính phủ.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 9 tháng do lo ngại sâu sắc hơn về suy thoái kinh tế và thắt chặt quy định của Bắc Kinh.
Chứng khoán Hàn Quốc thêm một ngày ảm đạm, ghi nhận một tuần tệ nhất trong bảy tháng.
Kết thúc phiên 20/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 267,92 điểm (-0,98%), xuống 27.013,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,22 điểm (-1,10%), xuống 3.427,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 466,61 điểm (-1,84%), xuống 24.849,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 37,32 điểm (-120%), xuống 3.060,51 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 3,45%, Shanghai Composite giảm 0,73%, Hang Seng giảm 5,84%, KOSPI giảm 3,49%.
Giá vàng đêm đi ngang trong phiên giao dịch đêm khi dòng tiền đổ dồn vào chứng khoán và không có nhiều động lực trên thị trường kim loại quý.
Kết thúc phiên 20/8, giá vàng giao ngay tăng 0,30 USD (+0,02%), lên 1.780,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,90 USD (+0,05%), lên 1.781,80 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,05%, giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,13%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và 4người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 930 người tham gia, 46% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 36% cho rằng giá vàng giảm và 18% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu khép lại tuần mất mát lớn nhất trong hơn chín tháng với một phiên lao dốc khác vào thứ Sáu với dự đoán nhu cầu nhiên liệu suy yếu trên toàn thế giới do sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 không có dấu hiệu hạ nhiệt.Thị trường dầu thô hiện đã giảm bảy phiên liên tiếp.
Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang ứng phó với dịch bệnh bằng cách thắt chặt hơn các biện pháp hạn chế đi lại.
Trung Quốc đã áp dụng các phương pháp khử trùng nghiêm ngặt tại các cảng, gây ra tắc nghẽn trong khi úc Úc tăng cường các biện pháp giãn cách. Nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu cũng đang giảm sau mùa hè.
Một số công ty Mỹ đã trì hoãn kế hoạch quay trở lại làm việc tại văn phòng. Apple, công ty lớn nhất của Mỹ, trì hoãn việc cho nhân sự trở lại làm việc trực tiếp cho đến đầu năm 2022.
Trong khi nhu cầu giảm, nguồn cung vẫn đang tăng đều đặn. Baker Hughes cho biết, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất và các giàn khoan ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp được bổ sung thêm.
Kết thúc phiên 20/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,37 USD (-2,2%), xuống 62,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,27 USD (-1,95%), xuống 65,18 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô WTI giảm 9%, giá dầu thô Brent giảm 8%.