Giá của đồng Bitcoin đã điều chỉnh khoảng 16% trong khoảng thời gian từ ngày 15/8 cho đến 19/8 khi quay đầu kiểm định lại mốc 20.800 USD. Mặc dù so với các loại tài sản khác mức sụt giảm trên là tương đối lớn, tuy nhiên trên thị trường tiền điện tử, mức chênh lệch khoảng 4.000 USD không phải là thứ gì đó quá to tát. Bởi vì nếu nhìn vào quá trình phát triển của thị trường tiền điện tử, mức biến động hàng năm của Bitcoin lên đến hơn 72% một năm.
Từ đầu tuần đến nay, giá của Bitcoin hầu như được giao dịch đi ngang quanh vùng 21.000 USD phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau khi phải đón nhận những thông tin không tốt như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phải hạ lãi suất cơ bản cho vay 5 năm do khủng hoảng bất động sản. Không chỉ thế, một chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs còn tuyên bố áp lực lạm phát chưa giảm sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt các chính sách của mình và điều này sẽ tác động tiêu cực đến chỉ số S&P 500.
Theo ghi nhận, mối tương quan giữa Bitcoin và phố Wall vẫn đang ở mức rất cao (80/100), do đó nếu chẳng may thị trường chứng khoán Mỹ "hắt hơi" thì thị trường tiền điện tử khó mà không "cảm lạnh".
Báo cáo hàng tuần của Coinshare về dòng tiền ra vào thị trường tiền điện tử trong tuần qua cho thấy tiếp tục dòng vốn chảy ra ngoài. Số tiền bị rút ra khỏi thị trường tiền điện tử với tổng trị giá 9 triệu USD, nhìn chung khối lượng thị trường vẫn rất thấp. Trong đó, Bitcoin tiếp tục chứng kiến tuần thứ ba liên tiếp dòng tiền rút ra với tổng trị giá 15 triệu USD. Ngược lại, Ethereum có thêm 3 triệu USD vào. Kể từ giữa tháng 6, khi sự kiện hợp nhất (Merge) càng đến gần, Ethereum đã chứng kiến dòng vốn vào trong 9 tuần với tổng trị giá 162 triệu USD.
Chỉ số đồng đô la Mỹ (DYX) cho thấy sức mạnh đồng USD đang ở mức cao trong vòng 10 năm qua. Thường khi chỉ số này cao không tốt cho giá cả của tiền điện tử và chứng khoán Mỹ.
Dường như thị trường đang lưỡng lự chờ thông tin liên quan đến chỉ số lạm phát sẽ được thông báo trong tuần này. Cùng với đó là những nhận định của Fed về tăng lãi suất trong sự kiện Jackson Hole vào ngày 25-27 tháng 8.
Phân tích những gì có thể xảy ra tiếp theo đối với tài sản rủi ro, các nhà bình luận hy vọng vào một đợt tăng giá của chứng khoán dựa trên sự suy giảm của đồng USD. Nếu sức mua Bitcoin trên ngưỡng 21.000 USD vẫn ở mức thấp, thì thị trường sẽ trở nên kém thanh khoản và giá có thể tiếp tục đà giảm. Ngược lại, nếu Bitcoin vượt được lên trên 25.000 USD thì việc bứt phá mốc 28.000 USD sẽ không còn là điều khó khăn.
Thị trường hầu như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 24/8. Nguồn: Coin360. |
Cùng với Bitcoin, có 8/10 đồng tiền điện tử đứng đầu giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 0,81% còn 1.615 USD; Binance Coin giảm 0,69% còn 296,95 USD; XRP giảm 0,09% còn 0,34 USD; Cardano giảm 1,23% còn 0,45 USD; Solana giảm 2,57% còn 34,52 USD; DOGE giảm 2,36% còn 0,067 USD; SHIB giảm 0,97% còn 0,000013 USD;
Có 2/10 đồng tiền điện tử giảm giá: Polkadot tăng 0,11% đạt 7,46 USD; AVAX tăng 0,83% đạt 22,97 USD.
Thị trường tiền điện tử đang trong giai đoạn tương đối ảm đạm khi mà tổng giá trị vốn hóa giảm mạnh từ gần 1.200 tỷ xuống chỉ còn xấp xỉ 1 nghìn tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơn ác mộng sẽ chưa thể chấm dứt và những điều tồi tệ còn có thể kéo giá trị vốn hóa thị trường xuống dưới 1 nghìn tỷ USD bởi tháng 9 chưa bao giờ là tháng dễ chịu đối với giới tài chính.
Một dấu hiệu khác cảnh báo về một "mùa đông tiền điện tử" năm nay có thể sẽ vô cùng khắc nghiệt đó là các tổ chức đầu tư đang tạm dừng việc mua hai loại tiền điện điện tử ổn định (stablecoin) hàng đầu.
Dữ liệu thị trường cho thấy, trong 30 ngày qua, vốn hóa thị trường của Tether (USDT) đã tăng 2,6%, trong khi USD Coin (USDC) giảm 4,6%.
Sự sụt giảm vốn hóa thị trường của USDC bắt đầu trước sự thay đổi về quy định và có vẻ giống với sự sụt giảm đã thấy hồi đầu năm, từ tháng 3 đến tháng 5.
Công ty phân tích tiền điện tử Glassnode đã công bố dữ liệu mới nhất về các chỉ số của USDC, phản ánh đợt bán tháo gần đây đối với stablecoin này. Có thể thấy lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với Tornado Cash đã tác động mạnh đến vốn hóa của hai đồng USDT và USDC.
Trong khi USDT chứng kiến mức tăng trưởng gần 2 tỷ USD sau lệnh trừng phạt, vốn hóa thị trường của USDC đã thu hẹp sau khi nhà phát hành Circle quyết định đóng băng khoảng 75.000 USDC được nắm giữ bởi các địa chỉ liên kết với Tornado Cash.
Một số người dùng đã chuyển tiền từ USDC sang USDT. Dữ liệu từ Glassnode cho thấy phần trăm USDC do 1% địa chỉ hàng đầu nắm giữ đã đạt mức thấp nhất trong 22 tháng là 87,667%.
Mặc dù vốn hóa thị trường của USDC giảm xuống, nhưng khối lượng giao dịch trung bình hàng tuần của stablecoin này đã đạt mức cao nhất trong ba năm, vượt qua mức cao trước đó vào tháng 6 năm 2022.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.048 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với ngày 23/8.