Trong ngày đầu tiên của cuộc điều trần hai ngày trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã nói rằng ngân hàng trung ương “quyết tâm” kiềm chế lạm phát, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong 40 năm.
Ông Powell nói thêm rằng Fed sẽ giữ nguyên lộ trình cho đến khi thấy “bằng chứng thuyết phục" rằng lạm phát đang giảm. Nhưng cũng cho biết việc đưa nền kinh tế không rơi vào suy thoái đã trở nên “thách thức hơn”.
Tim Ghriskey, Chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York, cho biết: “Giống như tất cả các bài bình luận của Fed, có những mặt tích cực và tiêu cực, nhưng thông điệp chung là Fed sẽ không lùi bước trước các đợt tăng lãi suất”.
Giới đầu tư đang ngày càng lo ngại cho một cuộc suy thoái kinh tế. Citigroup và Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu do các dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
“Lịch sử cho thấy quá trình cố gắng hạ nhiệt lạm phát thường gây thiệt hại đáng kể tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và chúng tôi nhận thấy xác suất chung của một đợt suy thoái đang đến gần mức 50%”, báo cáo phân tích của Citigroup nhận định.
Đáng chú ý khác trên thị trường là giá dầu thô đã lao dốc xuống dưới 110 USD/thùng giữa lo ngại suy thoái kinh tế sẽ khiến nhu cầu năng lượng suy giảm, với lĩnh vực này là nhóm giảm mạnh nhất trên S&P 500, mất 4,2%.
Theo đó, các cổ phiếu như Marathon Oil và ConocoPhillips lần lượt giảm 7,2% và 6,3%. Cổ phiếu Occidental Petroleum và Exxon Mobil lần lượt giảm 3,6% và gần 4%.
Thông tin liên quan đến xăng dầu là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội thông qua lệnh tạm ngừng áp thuế xăng dầu liên bang trong 3 tháng để giúp chống lại giá xăng đang ở mức cao kỷ lục.
Cũng trong ngày thứ Tư, Nhà Trắng mời CEO của 7 hãng dầu lửa lớn đến một cuộc họp nhằm thảo luận về việc tăng sản lượng khai thác dầu và giảm giá xăng về quanh ngưỡng 5 USD/gallon.
Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones giảm 47,12 điểm (-0,15%), xuống 30.483,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,90 điểm (-0,13%), xuống 3.759,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,22 điểm (-0,15%), xuống 11.053,08 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ "cam kết mạnh mẽ" trong việc giảm lạm phát.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,66% xuống 405,90 điểm.
Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy giá thực phẩm tăng vọt đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng của Anh lên mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng trước, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.
Gây áp lực lớn nhất là nhóm cổ phiếu nguyên liệu do giá quặng sắt và đồng giảm do nguồn cung hạn chế từ Trung Quốc và lo ngại về tăng trưởng. Cổ phiếu dầu khí giảm 3,3% do giá dầu thô giảm do kế hoạch cắt giảm chi phí nhiên liệu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Sự kết hợp của lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, xung đột tại Ukraine và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã đẩy STOXX 600 giảm khoảng 18% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại vào tháng 1/2022.
Phiên này, chỉ số DAX của Đức giảm 1,1%, ảnh hưởng bởi BASF giảm 5,8% sau khi Giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất Đức cho biết công ty có khả năng phải đối mặt với sự suy thoái đáng kể vào nửa cuối năm nay.
Các công ty thép châu Âu như ArcelorMittal, Voestalpine và Salzgitter giảm từ 11,1% đến hơn 13% sau khi JPMorgan hạ cấp cổ phiếu do giá thép vẫn chưa chạm đáy.
Kết thúc phiên 22/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 62,83 điểm (-0,88%), xuống 7.089,22 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 148,12 điểm (-1,11%), xuống 13.144,28 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 48,03 điểm (-0,81%), xuống 5.916,63 điểm.