Phố Wall có phiên hồi phục nhờ cổ phiếu Apple - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên hồi phục nhờ cổ phiếu Apple - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư đang hướng chú ý đến cuộc họp của FED

(ĐTCK) Cổ phiếu Apple tăng trở lại đã hỗ trợ cho phố Wall phục hồi trong phiên 10/9, nhưng giới đầu tư toàn cầu vẫn đang hướng mọi sự tập trung vào cuộc họp sắp tới của FED để xem quyết định của cơ quan hoạch định chính sách này đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ.

Phố Wall hồi phục trong phiên thứ Tư nhờ cổ phiếu Apple tăng trở lại. Cổ phiếu nhà sản xuất iPhone, iPad này đã có phiên đầy biến động hôm thứ Ba sau khi ra mắt iPhone 6 và sản phẩm mới Apple Watch. Trong phiên thứ Tư, cổ phiếu Apple đã tăng trở lại khi nhà đầu tư kỳ vọng các sản phẩm mới và công nghệ mới đưa ra sẽ đem lại kết quả kinh doanh tốt cho hãng.

Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng tiếp tục kéo dài chuỗi ngày sụt giảm do giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất 17 tháng.

Cùng với những lo ngại về việc FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch, thì nhóm cổ phiếu năng lượng chính là tác nhân chính khiến phố Wall giảm điểm trong những phiên gần đây.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones tăng 54,84 điểm (+0,32%), lên 17.068,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,25 điểm (+0,36%), lên 1.995,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 34,24 điểm (+0,75%), lên 4.586,52 điểm.

Dù nhận được thông tin tích cực từ các cổ phiếu công nghệ nhờ hiệu ứng của Apple, nhưng việc giới đầu tư lo ngại Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh khiến chứng khoán châu Âu kết thúc phiên quanh mốc tham chiếu. Cùng với đó, khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến cũng tác động đến tâm lý giới đầu tư châu Âu.

Lo ngại về khả năng Scotland tách khỏi Vương quốc Anh, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng so với đồng USD.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,11 điểm (+0,02%), lên 6.830,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,53 điểm (-0,11%), xuống 9.700,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 1,58 điểm (-0,04%), xuống 4.450,79 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 6 năm so với đồng USD. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại giảm mạnh khi giới đầu tư lo ngại việc FED tăng lãi suất quá sớm có thể khiến kinh tế thế giới lâm vào đợt suy thoái mới.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 39,63 điểm (+0,25%), lên 15.788,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 485,09 điểm (-1,93%), xuống 24.705,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 8,22 điểm (-0,35%), xuống 2.318,31 điểm.

Giá vàng sau khi có phiên đứng yên ngày thứ Ba, đã quay đầu giảm giá và xuống mức thấp nhất 3 tháng trong phiên thứ Tư. Lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất, cũng như đồng USD tăng mạnh chính là nguyên nhân đẩy giá vàng, cùng như dầu thô giảm sâu. Hiện giới đầu tư đang hướng mọi sự chú ý vào cuộc họp của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC). Trong khi đó, điểm hỗ trợ cho giá vàng thời gian qua là căng thẳng Ukraine hiện đã tạm lắng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả tù binh, dù tiếng súng đâu đó vẫn còn.

Kết thúc phiên 10/9, giá vàng giao ngay giảm 6,80 USD (-0,54%), xuống 1.249,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,2 USD (-0,26%), xuống 1.245,3 USD/ounce.

Giá dầu thô kỳ hạn ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng, trong khi giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng. OPEC, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ hạ dự báo nhu cầu dầu của thế giới, cùng dữ liệu cho thấy kho dự trữ của Mỹ tăng là lý do khiến giá nhiên liệu này giảm mạnh.

Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,08 USD (-1,18%), xuống 91,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,12 USD (-1,14%), xuống 98,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan