Dữ liệu quan trọng nhất được thông báo và chờ đợi là lạm phát của Mỹ đã giảm trong tháng thứ 7 liên tiếp vào tháng 1/2023, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% so với tháng trước và tính trên cơ sở hàng năm là tăng 6,4%, giảm nhẹ so với tỷ lệ tăng 6,5% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ.
Chỉ số tiêu dùng cốt lõi, thước đo lạm phát loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, vốn là thước đo ưa thích của Fed đã tăng 0,4% trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 1, đưa tỷ lệ lạm phát lõi tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chỉ số này đều tăng hơn mức kỳ vọng của giới phân tích 0,1%.
John Leer, Nhà kinh tế trưởng tại Morning Consult, cho biết, tin tức về chỉ số mới nhất nhấn mạnh những thách thức mà Fed phải đối mặt. "Lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng nó không có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh chóng với mục tiêu lạm phát 2% của Fed”.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng cao, với kỳ hạn 6 tháng đóng cửa ở mức 5,022%, lần đầu tiên vượt mốc 5% kể từ tháng 7/2007.
Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đang đặt cược vào ít nhất hai đợt tăng lãi suất 0,25% nữa trong năm nay, với mức lãi suất có thể đạt đỉnh 5,28% vào tháng 7.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 156,66 điểm (-0,46%), xuống 34.089,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,16 điểm (-0,02%), xuống 4.136,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 68,36 điểm (+0,57%), lên 11.960,15 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, nhờ lĩnh vực du lịch tăng sau khi tập đoàn TUI dự báo xu hướng phục hồi tích cực cho mùa hè sắp tới, trong khi cổ phiếu của Thyssenkrupp trượt dốc do lợi nhuận hàng quý giảm.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,23% lên 463,08 điểm, trong khi cổ phiếu du lịch & giải trí châu Âu tăng 1,15%.
Cổ phiếu Thyssenkrupp lao dốc, giảm hơn 10%, sau khi tập đoàn sản xuất phụ tùng tàu chiến sang ô tô của Đức cho biết lợi nhuận hoạt động trong quý cuối năm 2022 của họ giảm 1/3.
Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là dữ liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ, sẽ được công bố vào cuối ngày, điều này sẽ mang lại sự rõ ràng hơn về triển vọng tăng lãi suất Fed.
Ở châu Âu, dữ liệu nhanh về GDP quý IV cũng nằm trong tầm ngắm, với hy vọng ngày càng tăng rằng nền kinh tế khu vực đồng euro có nhiều khả năng tránh được suy thoái kinh tế.
Sophie Lund-Yates, nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Động lực thực sự lớn nhất hiện nay là việc khu vực đồng euro sắp tránh được suy thoái, giờ đây điều đó có vẻ có nhiều khả năng hơn nên điều đó rõ ràng là đang thúc đẩy thị trường”.
Kết thúc phiên 14/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 6,25 điểm (+0,08%), lên 7.953,85 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 16,78 điểm (-0,11%), xuống 15.380,56 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 5,22 điểm (+0,07%), lên 7.213,81 điểm.
Giá dầu thô giảm, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ bán 26 triệu thùng dầu từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR). Động thái này giúp giải toả nỗi lo thiếu cung dầu, cho dù lượng dầu trong dự trữ SPR đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,08 USD/thùng (-1,37%), xuống 79,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,03 USD/thùng (-1,20%), xuống 85,58 USD/thùng.