Giới đầu tư có 1 tuần điên đảo

Giới đầu tư có 1 tuần điên đảo

(ĐTCK) Dù phố Wall hồi phục trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nhưng thị trường chứng khoán, vàng và dầu thô vẫn chứng kiến tuần lao dốc mạnh.

Trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, một lần nữa phố Wall lại chứng kiến cảnh bán tháo của phiên cuối tuần trước đó và đầu tuần lặp lại. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, khi chỉ số S&P 500 xuống dưới đường trung bình 200, mức được xem là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, phố Wall đã bật trở lại với mức tăng hơn 1% của cả 3 chỉ số chính.

Dù có  2 phiên hồi phục tốt trong tuần qua (phiên thứ Ba và thứ Sáu), nhưng với những phiên bán tháo mạnh hôm thứ Hai và thứ Năm, phố Wall vẫn có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 với mức giảm hơn 5% của cả 3 chỉ số.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones tăng 330,44 điểm (+1,38%), lên 24.190,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 38,55 điểm (+1,49%), lên 2.619,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 97,33 điểm (+1,44%), lên 6.874,49 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 5,21% sau khi mất 4,12% trong tuần trước đó, chỉ số S&P 500 giảm 5,16% sau khi cũng mất 3,82% trong tuần trước đó, chỉ số Nasdaq cũng giảm 5,06% sau khi đã mất 3,53% trong tuần trước đó.

Việc thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh trong tuần qua liên quan đến nỗi lo lạm phát của Mỹ, khiến Fed có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và tỷ suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, đà giảm của các chỉ số chính trên thị trường này vẫn chưa dừng lại trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ đà bán tháo trước đó trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á.

Chốt tuần, các chỉ số chính của khu vực này cũng giảm trên dưới 5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 78,26 điểm (-1,09%), xuống 7.092,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 152,81 điểm (-1,25%), xuống 12.107,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 72,47 điểm (-1,41%), xuống 5.079,21 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 4,72%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp (tuần trước đó giảm 2,90%), chỉ số DAX giảm 5,30% sau khi đã mất 4,16% trong tuần trước đó (tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này) và chỉ số CAC 40 cũng giảm 5,33%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp (tuần trước đó giảm 2,97%).

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ đợt bán tháo trong phiên thứ Năm trên thị trường Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á cũng bị bán tháo mạnh trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên lao dốc mạnh nhất khi mất tới hơn 4% do ngoài ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới, còn do nhà đầu tư trên thị trường này chốt danh mục trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài này bắt đầu từ tuần này.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 508,24 điểm (-2,32%), xuống 21.382,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 943,85 điểm (-3,10%), xuống 29.507,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 132,20 điểm (-4,05%), xuống 3.129,85 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 8,13%, chỉ số Hang Seng giảm 9,49% và chỉ số Shanghai Composite giảm 9,62%. Như vậy, chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Dù sự hoảng loạn diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhưng với việc đồng USD tăng mạnh khi chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong 15 tháng, giá vàng không có cửa để đi lên. Trong phiên cuối tuần, giá kim loại quý này chỉ lình xình và đóng cửa với mức giảm nhẹ. Qua đó, chứng kiến tuần giảm thứ 2 liên tiếp cũng với mức giảm hơn 1%.

Kết thúc phiên 9/2, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD/ounce (-0,2%), xuống 1.315,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 0,9 USD/ounce (-0,07%), xuống 1.318,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,22% và giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,44%.

Bất chấp đối mặt với nhiều thách thức, nhất là đà tăng mạnh của đồng USD, nhưng giới đầu tư vẫn có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này, dù thấp hơn so với 2 tuần trước đó. Trong khi đó, giới phân tích sau khi có cái nhìn tiêu cực tuần trước, cũng đã lạc quan trở lại với xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 20 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 10 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, cao hơn nhiều con số 18% của tuần trước; có 6 người, chiếm 30% dự báo giảm, thấp hơn rất nhiều so với mức 65% của tuần trước; và 4 người còn lại, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 731 lượt người tham gia (thấp hơn tuần trước đó), trong đó có 408 lượt, chiếm 56% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, thấp hơn so với con số 64% của tuần trước đó; có 219 lượt bình chọn, chiếm 30% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn mức 22% của tuần trước; 104 lượt, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu thô, không những chịu sức ép khi đồng USD tăng mạnh, giá dầu thô còn chịu áp lực bởi nỗi lo nguồn cung gia tăng khi sản lượng khai tác của Mỹ đạt mức kỷ lục mới trong tuần trước.

Trong phiên cuối tuần, dầu thô cũng bị bán tháo mạnh với mức giảm hơn 3%, trong đó giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên kể từ tháng 12/2017 xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng.

Kết thúc phiên 9/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,95 USD (-3,29%), xuống 59,20 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 22/12/2017. Giá dầu thô Brent giảm 2,02 USD (-3,22%), xuống 62,79 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12/2017.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 9,55% và giá dầu thô Brent cũng giảm mạnh 8,44%. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của giá dầu thô.

Tin bài liên quan