Giới đầu tư chưa thể gạt đi nỗi lo, Phố Wall ngược chiều

Giới đầu tư chưa thể gạt đi nỗi lo, Phố Wall ngược chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall diễn biến ngược chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Hai đầu tuần (8/3).

Khởi đầu tuần mới,các nhà đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu hưởng lợi từ đà phục hồi khi kinh tế sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD vào cuối tuần qua.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, việc Thượng viện thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD đồng nghĩa khoản thanh toán trị giá 1.400 USD cho toàn bộ dân Mỹ sẽ được triển khai trong tháng này. Bên cạnh đó, dự luật cũng giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19.

Tuy nhiên chi tiêu chính phủ tăng lên, triển vọng nền kinh tế phục hồi nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại lạm phát tăng vọt, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất gần một năm và đè nặng lên các cổ phiếu công nghệ vốn dựa vào nguồn vốn rẻ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã cộng 4 điểm cơ sở lên 1,6 % vào ngày thứ Hai.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Hai cho biết, gói kích tích kinh tế mới sẽ thúc đẩy Mỹ phục hồi "rất mạnh”, đồng thời phản bác lại quan điểm gói kích thích này là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng.

Theo bà Yellen, gói kích thích là cần thiết để vực dậy nền kinh tế Mỹ trở lại và trong trường hợp nó gây ra lạm phát thì sẽ có những công cụ để giải quyết, vấn đề đó sẽ được giám sát chặt chẽ.

Trong khi Dow Jones tăng điểm trong phiên, dẫn đầu đà leo dốc bởi nhóm cổ phiếu tài chính và du lịch, Nasdaq Composite vốn tập trung các cổ phiếu công nghệ lại có phiên giảm mạnh và rơi vào vùng điều chỉnh.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones tăng 306,14 điểm (+0,97%), lên 31.802,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,59 điểm (-0,54%), xuống 3.841,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 310,99 điểm (-2,41%), xuống 12.609,16 điểm.

Chứng khoán Châu Âu ngập tràn sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ hai đầu tuần. Cổ phiếu ngân hàng và ô tô dẫn dầu đã leo dốc khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế vững chắc sau đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, các trường học ở Anh đã mở cửa trở lại cho tất cả học sinh đến trường vào thứ Hai, đánh dấu bước đi đầu tiên bình thường hoá cuộc sống trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm Covid-19 đang giảm xuống.

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo hôm thứ Hai công bố dữ liệu cho thấy lĩnh vực sản xuất của Đức đã được cải thiện trong tháng 2/2021 và là tháng thứ ba liên tiếp.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 88,61 điểm (+1,34%), lên 6.719,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 460,22 điểm (+3,31%), lên 14.389,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 120,34điểm (+2,08%), lên 5.902,99 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch đầu tuần giằng co trước khi đóng cửa trong sắc đỏ. Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm khi không ít nhà đầu tư điều chỉnh vị thế và tiếp tục chốt sổ do năm tài chính sẽ kết thúc vào cuối tháng này.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc do mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 thấp hơn dự kiến, dấy lên lo ngại rằng các quan chức Trung Quốc có thể thắt chặt chính sách sớm hơn.

Chứng khoán Hồng Kông chịu tác động từ Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích trị giá 1.900 tỷ USD làm gia tăng lo ngại lạm phát, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp ở Trung Quốc khiến lo ngại về chính sách thắt chặt sẽ sớm được thực hiện.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của Mỹ được thông qua khiến thị trường lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng sẽ gây áp lực đến thị trường cổ phiếu.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 121,07 điểm (-0,42%), xuống 28.743,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 80,57 điểm (-2,30%), xuống 3.421,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 557,46 điểm (-1,92%), xuống 28.540,83 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 30,15 điểm (-1,00%), xuống 2.996,11 điểm.

Sau phiên phục hồi nhẹ cuối tuần trước, giá vàng quay đầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần, xuống đáy 9 tháng, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng.

Kết thúc phiên 8/3, giá vàng giao ngay giảm 17,20 USD (-1,01%), xuống 1.682,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 20,50 USD (-1,21%), xuống 1.678,00 USD/ounce.

Sau ba phiên tăng liên tiếp, giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Hai. Mặc dù vậy, trong phiên, dầu đã có thời điểm đạt đỉnh hơn 70 USD/thùng sau khi các cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác dầu ở Ả Rập Xê-út được đưa tin.

Phiến quân Houthi của Yemen đã dùng máy bay không người lái và tên lửa tấn công vào trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả Rập Xê-út hôm 7/3, trong đó bao gồm cả một cơ sở của Saudi Aramco tại Ras Tanura, cơ sở này rất quan trọng đối với ngành sản xuất dầu mỏ của nước này.

Kết thúc phiên 8/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,04 USD (-1,6%), xuống 65,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,20 USD (-1,6%), xuống 68,24 USD/thùng.

Tin bài liên quan