Giới đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

Giới đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa giảm trong phiên thứ Tư (7/6), khi các nhà đầu tư chốt lời ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn trước các sự kiện kinh tế và chính sách quan trọng vào tuần tới.

Chỉ số các cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 1,78%, khi các nhà đầu tư tiếp tục rời xa cổ phiếu megagap và cổ phiếu tăng trưởng sau khi chúng đã tăng mạnh trong thời gian qua và giúp S&P 500 tăng gần 20% so với mức thấp nhất vào tháng 10/2022.

Phiên hôm nay, năng lượng là lĩnh vực có thành tích tốt nhất thuộc S&P 500, tăng 2,6%, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Oil & Gas Exploration & Production ETF và First Trust Natural Gas ETF đều tăng hơn 3%.

Cổ phiếu các ngân hàng địa phơng tiếp tục khởi sắc khi chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng hơn 3%. Cổ phiếu PacWest Bancorp tăng 14,4%, còn cổ phiếu Zions Bancorporation tăng 4,5%.

Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ dự kiến được công bố vào tuần tới, trước khi Fed hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày 13-14/6.

Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Dow Jones tăng 91,74 điểm (+0,27%), lên 33.665,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,33 điểm (-0,33%), xuống 4.267,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 171,52 điểm (-1,29%), xuống 13.104,90 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và lo ngại về triển vọng lãi suất ở khu vực đồng euro.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,19% xuống 460,80 điểm.

Hầu hết các thị trường khu vực ở châu Âu đều giảm, nhưng chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 0,5%, nhờ sức ảnh hưởng của Inditex tăng 5,7% lên mức cao nhất trong gần 6 năm, sau khi nhà bán lẻ này báo cáo lợi nhuận quý tăng 54% so với dự kiến ​​và cho biết doanh số bán bộ sưu tập xuân hè của họ đã tăng tốc trong tháng Năm.

Chỉ số bán lẻ châu Âu dẫn đầu mức tăng của ngành với mức tăng 2%.

Chỉ số chuẩn STOXX 600 đã giao dịch trong phạm vi hẹp trong tuần này khi những lo ngại về việc các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất, bao gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Fed vào tuần tới.

Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6, trong khi kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của ECB vẫn còn.

Thành viên hội đồng quản trị của ECB, Klaas Knot, cho biết ít nhất ECB sẽ cần thêm hai lần tăng lãi suất 0,25% nữa vào tháng 6 và tháng 7, đồng thời sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức quá cao.

Kết thúc phiên 7/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 3,76 điểm (-0,04%), xuống 7.624,34 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 31,88 điểm (-0,20%), xuống 15.960,56 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 6,21 điểm (-0,08%), xuống 7.202,79 điểm.

Giá dầu tiếp tục tăng, khi vẫn chịu tác động từ việc Saudi Arabia có kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn đã bù đắp cho những khó khăn về nhu cầu xuất phát từ dự trữ nhiên liệu của Mỹ và dữ liệu xuất khẩu yếu của Trung Quốc.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch giao dịch cấp cao của BOK Financial, cho biết: "Các hợp đồng tương lai dường như đang ở trong một 'cuộc chiến giằng co' giữa nhu cầu sản xuất chậm lại và nhu cầu dầu diesel thấp hơn với việc cắt giảm sản lượng dự kiến từ OPEC và Saudi Arabia".

Kết thúc phiên 7/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,79 USD/thùng (+1,10%), lên 72,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,66 USD/thùng (+0,90%), lên 76,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan