Giới đầu tư chờ Fed cắt giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua trong một nỗ lực mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, và có khả năng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa nếu sức mạnh của nền kinh tế khiến lạm phát phục hồi.
Giới đầu tư chờ Fed cắt giảm lãi suất

Các nhà đầu tư đang hướng tới giai đoạn tiếp theo trong chiến lược thắt chặt của Fed hiện đang tự hỏi liệu lãi suất sẽ duy trì ở mức cao này trong bao lâu nữa? Nhưng con đường không chắc chắn của lạm phát làm cho nó trở thành một câu hỏi hóc búa.

“Thay vì tranh cãi về mức lãi suất cao nhất hay về việc cần phải tăng lãi suất thêm bao nhiêu lần nữa, điều mà chúng ta có lẽ nên bắt đầu nghĩ đến là điều này sẽ kéo dài bao lâu ở mức lãi suất cao này”, Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee cho biết vào đầu tháng này.

Một số nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất ngay vào đầu năm tới, có lẽ với kỳ vọng rằng nền kinh tế có thể sớm xấu đi. Ví dụ, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến do lãi suất cao hơn, Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất để ngăn chặn tình trạng mất việc làm theo mục tiêu tối đa hóa việc làm.

Tuy nhiên, Fed vẫn chưa đưa ra bất kỳ gợi ý nào về việc cắt giảm lãi suất. Trên thực tế, theo biên bản cuộc họp tháng 7, nhiều đợt tăng lãi suất hơn có thể xảy ra trong năm nay.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố đã đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn lên cao. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,3% vào thứ Năm (17/8), và là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Mark Hackett, Trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Nationwide cho biết: “Kỳ vọng của thị trường trái phiếu so với hướng dẫn của Fed cho thấy rằng thị trường trái phiếu đang bi quan về nền kinh tế, bởi vì các nhà đầu tư trái phiếu cho rằng sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất, trong khi thị trường chứng khoán thì không”.

Việc cắt giảm lãi suất có nghĩa là Fed đang tìm cách thúc đẩy một nền kinh tế không hoạt động đủ tốt để thúc đẩy toàn dụng lao động. Ngược lại, đề xuất tăng lãi suất của Fed ngụ ý rằng họ thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang quá nóng và có thể không phù hợp với mức lạm phát 2%.

Ngoài khả năng cắt giảm lãi suất do suy thoái kinh tế, Fed cũng có thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát chậm lại quá nhiều.

Eugenio Alemán, nhà kinh tế trưởng tại Raymond James cho biết: “Nếu Fed thấy rằng lạm phát xuống dưới mục tiêu 2%, họ có thể bắt đầu giảm lãi suất, nhưng tôi không cho rằng họ sẽ bắt đầu giảm lãi suất cho đến khi điều đó xảy ra”.

Ngay cả khi việc cắt giảm lãi suất bắt đầu, không có khả năng Fed sẽ quay trở lại mức lãi suất cực thấp giống như những năm trước đại dịch Covid-19.

Sức mạnh vượt trội của nền kinh tế Mỹ trong mùa hè này đã khiến một số quan chức Fed lo lắng về việc giảm lạm phát xuống 2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,2% trong tháng 7 so với một năm trước đó, tốc độ nhanh hơn so với mức tăng 3% của tháng 6. Đó là lần đầu tiên lạm phát tổng thể tăng lên trong hơn một năm, mặc dù mức tăng giá cơ bản tiếp tục chậm lại vào tháng 7.

Cả nhà đầu tư và Fed đều đang theo dõi chặt chẽ chi tiêu của người tiêu dùng, điều này có thể báo hiệu tăng lãi suất nhiều hơn nếu chi tiêu nóng lên quá nhiều, hoặc suy thoái và khả năng cắt giảm lãi suất tăng lên nếu lạm phát hạ nhiệt quá nhanh.

“Nếu người tiêu dùng vẫn chi tiêu, điều đó tốt cho nền kinh tế, nhưng điều đó cho thấy Fed sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt, điều này cuối cùng có thể không tốt cho thị trường chứng khoán. Mặt khác, nếu người tiêu dùng không chi tiêu đủ theo quan điểm của thị trường, thì đó cũng có thể là tín hiệu cho thấy cuộc suy thoái mà đường cong lợi suất đã dự báo trong một năm nay có thể đến gần hơn chúng ta nghĩ”, Melissa Brown, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Qontigo cho biết.

Tin bài liên quan