Giới đầu tư chậm lại, thị trường điều chỉnh nhẹ

Giới đầu tư chậm lại, thị trường điều chỉnh nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Hai (27/11), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng và những nhận định về lạm phát từ các nhà hoạch định chính sách của Fed vào cuối tuần.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi việc phát hành báo cáo "Beige Book", bản tóm tắt của Fed về nền kinh tế và dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cho tháng 10, những điều này sẽ giúp đưa ra manh mối về quyết định lãi suất tiếp theo của Fed.

Diễn biến khá nhàm chán trong phiên này diễn ra một tuần sau Lễ Tạ ơn tích cực đối với Phố Wall, với các chỉ số chính ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp nhờ sự lạc quan ngày càng tăng rằng Fed có khả năng đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Từ đầu tháng đến nay, Dow Jones tăng gần 7%, S&P 500 tăng 8,5% trong khi Nasdaq tăng tới 10,8%.

Trọng tâm khác là việc một loạt các quan chức Fed sẽ có những phát biểu tại các hội nghị khác nhau trong tuần này, với Chủ tịch Jerome Powell dự kiến sẽ tham gia một hội thảo vào thứ Sáu.

Các nhà giao dịch đã dự báo khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 12 và khoảng 52% cơ hội Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 5/2024, theo Công cụ FedWatch của CME Group.

Kết thúc phiên 27/11: Chỉ số Dow Jones giảm 56,68 điểm (-0,16%), xuống 35.333,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,91 điểm (-0,20%), xuống 4.550,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,83 điểm (-0,07%), xuống 14.241,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, ảnh hưởng bởi đà suy yếu của cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, trong khi cổ phiếu bất động sản hạn chế đà giảm của thị trường, khi được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh của Rightmove.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,34% xuống 458,41 điểm

Nhóm phiếu chăm sóc sức khỏe giảm 0,6% với Evotec và AstraZeneca giảm lần lượt 3,2% và 2%, sau khi Jefferies cắt giảm giá mục tiêu, trong khi cổ phiếu của Bayer giảm 3%, cũng bởi bị cắt giảm mục tiêu giá từ Berenberg.

Hạn chế đà giảm, cổ phiếu của trang thông tin bất động sản Rightmove có trụ sở tại Vương quốc Anh là cổ phiếu tăng hàng đầu với mức tăng 4,8%, sau khi nâng dự báo doanh thu trung bình trong năm nay của các nhà quảng cáo trên nền tảng của họ.

"Từ lâu người ta đã tin rằng Rightmove có thể hoạt động tốt ngay cả trong điều kiện thị trường tốt và xấu", Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell cho biết.

"Khi thời điểm thuận lợi, công ty này được hưởng lợi từ dòng tiền ổn định của các bất động sản được quảng cáo trên nền tảng của họ. Trong thời điểm khó khăn hơn, các đại lý bất động sản và nhà phát triển nhà cần phải làm việc chăm chỉ hơn để thu hút người mua tiềm năng, và điều đó có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo”, Russ Mould nói thêm.

Thông tin khác trên thị trường, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho biết áp lực lạm phát của khu vực đồng euro đang có xu hướng giảm như dự kiến, nhưng tăng trưởng tiền lương vẫn mạnh và triển vọng đặc biệt không chắc chắn, vì vậy cuộc chiến kiềm chế lạm phát của ECB vẫn chưa kết thúc.

Hiện các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát từ Đức và theo dõi câu chuyện ngân sách đang diễn ra ở nước này, sau phán quyết của tòa án hiến pháp trong tháng này khiến các kế hoạch tài chính của Berlin bị xáo trộn.

Các sự kiện khác được chú ý trong tuần này bao gồm bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu, báo cáo GDP quý III và chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ.

Kết thúc phiên 27/11: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 27,50 điểm (-0,37%), xuống 7.460,70 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 63,12 điểm (-0,39%), xuống 15.966,37 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 27,31 điểm (-0,37%), xuống 7.265,49 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,53% xuống 33.447,67 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,38% xuống 2.381,76 điểm.

"Có rất ít tín hiệu chuyển động ở thị trường ở Mỹ và Nhật Bản, khi sự chú ý của các nhà đầu tư tập trung theo dõi chỉ số PCE của Mỹ sẽ được thông báo vào cuối tuần”, Hirokazu Kabeya, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng 10.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,30% xuống 3.031,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,74% xuống 3.511,94 điểm.

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ghi nhận sự giảm tốc so với hai tháng trước đó, cho thấy các biện pháp hỗ trợ chính sách cần được duy trì để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, trước các báo cáo quan trọng trong tuần có thể cho thấy nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,2% xuống 17.525,06 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,26% xuống 6.025,22 điểm.

Cổ phiếu Các ngân hàng trượt dốc trong bối cảnh đồn đoán sẽ được yêu cầu cho vay nhiều hơn đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong phiên giao dịch khá trầm lắng, ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 18,33 điểm, tương đương 0,73%, xuống 2.496,63 Tính chung cả tuần, chỉ số này tăng 1,5%.

Kết thúc phiên 27/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 177,86 điểm (-0,53%), xuống 33.447,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,27 điểm (-0,30%), xuống 3.031,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 34,36 điểm (-0,20%), xuống 17.525,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,97 điểm (-0,04%), xuống 2.495,66 điểm.

Giá dầu thô liên tục giảm từ giữa tuần trước khi OPEC+ thông báo hoãn cuộc họp, diễn ra vào ngày 26/11. Theo Reuters, OPEC+ đang xem xét việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn mặc dù cuộc họp chính sách của họ bị hoãn đến ngày cuối cùng của tháng này.

Kết thúc phiên 27/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,68 USD/thùng (-0,90%), xuống 74,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,60 USD/thùng (-0,7%), xuống 79,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan