Giới đầu tư chậm lại theo dõi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ

Giới đầu tư chậm lại theo dõi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Tư (26/6), với các cổ phiếu công nghệ tìm cách kéo dài đợt hồi phục, trong khi các nhà đầu tư giao dịch thận trọng hơn khi dữ liệu lạm phát quan trọng sắp được công bố.

Cổ phiếu chip Nvidia tiếp đà hồi phục và nhích 0,25%, nhưng không thể giúp chỉ số bán dẫn Philadelphia SE tăng điểm và mất 0,3%, khi nhiều mã khác vẫn chịu áp lực rung lắc sau đợt tăng mạnh gần đây.

Các cổ phiếu lớn khác như Apple nhích 2%, sau khi Rosenblatt nâng hạng cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone từ "trung lập" lên "mua". Cổ phiếu Tesla tăng 3,5% lên mức cao nhất gần hai tháng.

Trong khi đó, cổ phiếu của Amazon Inc tăng 3,5%, đưa giá trị vốn hoá thị trường lên trên 2.000 tỷ USD, là tập đoàn thứ 5 của Mỹ vượt qua ngưỡng này.

Đáng chú ý là cổ phiếu FedEx tăng gần 16% sau khi công bố kết quả tài chính quý IV tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Rivian Automotive tăng hơn 23% sau khi Volkswagen cho biết sẽ đầu tư đến 5 tỷ USD vào hãng xe điện này.

Mặt khác, một số dữ liệu kinh tế sẽ được công bố trong tuần này, với trọng tâm là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Với việc Fed dự báo chỉ có một lần cắt giảm lãi suất vào tháng 12, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc chỉ số CPE có cho thấy áp lực giá có đang giảm bớt hay không.

Kết thúc phiên 26/6: Chỉ số Dow Jones tăng 15,64 điểm (+0,04%), lên 39.127,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,60 điểm (+0,16%), lên 5.477,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,50 điểm (+0,49%), lên 17.805,16 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi lợi suất trái phiếu tăng do lo ngại về áp lực về lạm phát toàn cầu dai dẳng trước báo cáo giá tiêu dùng quan trọng của Mỹ, trong khi giới đầu tư vẫn dành sự tập trung lớn vào cuộc bầu cử Pháp vào cuối tuần.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,56% xuống 514,81 điểm, chịu áp lực bởi sự gia tăng lợi suất trái phiếu trên toàn khu vực đồng euro. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn của Đức tăng lên mức 2,452%.

Các báo cáo gần đây đã cho thấy sự gia tăng trở lại của lạm phát ở Úc và Canada và khiến sự lo lắng gia tăng rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

"Thị trường trái phiếu đang khiến tâm lý giới đầu tư bất an về lạm phát gia tăng. Australia hiện có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong các nước phát triển và thị trường lo ngại rằng đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tăng trở lại và làm chệch hướng hy vọng cắt giảm lãi suất", Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu tại XTB cho biết.

Cổ phiếu bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất là một trong những ngành gây áp lực lớn nhất đối với thị trường, giảm 1,2%, trong khi cổ phiếu du lịch và giải trí dẫn đầu đà giảm trong số các chỉ số phụ với mức giảm 1,7%.

Nhóm cổ phiếu ô tô cũng lùi bước, mất 1,3%, trong đó, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen giảm 1,6% sau khi cho biết họ sẽ đầu tư tới 5 tỷ USD vào liên doanh với nhà sản xuất xe điện Rivian.

Trọng tâm vẫn là số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ có vào thứ Sáu, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá triển vọng lãi suất của Fed.

Cùng với đó là dữ liệu lạm phát từ Pháp, Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được công bố trong tuần này. Ngoài ra còn có vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp vào ngày 30/6.

Kết thúc phiên 26/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 22,46 điểm (-0,27%), xuống 8.225,33 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 22,38 điểm (-0,12%), xuống 18.155,24 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 53,15 điểm (-0,69%), xuống 7.609,15 điểm.

Giá dầu thô tăng nhẹ bất chấp nguồn cung xăng của Mỹ tăng và những lo ngại rằng khả năng xung đột leo thang tại Gaza có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Trung Đông.

Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,07 USD (+0,09%), lên 80,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,24 USD (+0,30%), lên 85,25 USD/thùng.

Tin bài liên quan