Giới đầu tư bình thản trước bức tranh kinh tế sáng

Giới đầu tư bình thản trước bức tranh kinh tế sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall xoá sạch đà giảm kéo dài 2 tháng trước sau khi tiếp tục tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm (21/10) nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế tích cực.

Đầu ngày thứ Năm, thị trường đón nhận tin vui từ dữ liệu thất nghiệp khả quan, cho thấy thị trường lao động đang dần ổn định.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống còn 290.000 đơn, mức thấp nhất kể từ sau khi đại dịch bùng phát và giảm 6.000 người so với tuần trước đó. Con số này cũng thấp hơn dự báo 300.000 đơn từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Mặt khác, với khoảng 100 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh cho đến nay, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ đạt mức tăng trưởng 33,7% trong quý III.

Tesla tăng vọt 3,2% phiên giới phân tích đánh giá hãng đang trên lộ trình trở thành "công ty ô tô đại chúng có lợi nhuận cao nhất thế giới”, ngay cả khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Cổ phiếu hãng sản xuất điện tử HP tăng vọt 6,9% nhờ kết quả lợi nhuận mạnh mẽ và nâng dự báo triển vọng năm 2022. Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng hỗ trợ thị trường trong phiên đêm qua với Nvidia tăng 2,6% và Netflix tăng 4.4%.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu American Airlines tăng 1,9% sau báo cáo có lãi nhờ viện trợ liên bang trong quý III.

Tuy nhiên, bất chấp kết quả lợi nhuận mạnh mẽ, IBM báo doanh thu suy yếu khiến cổ phiếu lao dốc 9,5%, nguyên nhân chính kéo lùi Dow Jones trong phiên đêm qua.

Chỉ số biến động CBOE, còn được gọi là thước đo mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 cho thấy tâm lý bình thản của giới đầu tư dù nhiều lo ngại về các vấn đề chuỗi cung ứng khiến chi phí tăng cao.

S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa trong sắc xanh còn Dow Jones giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures, Nasdaq Futures lại đang trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones giảm 6,26 điểm (-0,02%), xuống 35.603,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,59 điểm (+0,30%), lên 4.549,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 94,02 điểm (+0,62%), lên 15.215,70 điểm.

Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên ngày thứ Năm khi các công ty khai thác làm ăn chủ yếu với Trung Quốc đồng loạt báo lỗ và dự báo doanh thu không mấy ấn tượng của hãng phần mềm lớn nhất châu Âu SAP.

Tâm lý cũng chịu sức ép bởi những lo ngại mới về lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc sau sự đổ vỡ của kế hoạch bán tài sản trị giá 2,6 tỷ USD của tập đoàn Evergrande.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,80 điểm (-0,45%), xuống 7.190,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 50,36 điểm (-0,32%), xuống 15.472,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,44 điểm (-0,29%), xuống 6.686,17 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi những lo ngại mới xung quanh vụ vỡ nợ của Evergrande, bên cạnh tâm lý thận trọng cao trước cuộc tổng tuyển cử.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ cổ phiếu bất động sản và than hồi phục sau khi các quan chức cấp cao trấn an thị trường. Chứng khoán Hồng Kông giảm do cổ phiếu nhóm công nghệ và chăm sóc sức khỏe kéo lùi.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ khi các nhà đầu tư thận trọng trước những căng thẳng tài chính mới tại Evergrande.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 546,97 điểm (-1,87%), xuống 28.708,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,78 điểm (+0,22%), lên 3.594,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 118,49 điểm (-0,45%), xuống 26.017,53 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 5,80 điểm (-0,19%), xuống 3.007,33 điểm.

Giá vàng đêm qua đi ngang trước áp lực từ lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ gia tăng đã lấn át sự hỗ trợ từ những lo ngại về lạm phát và rủi ro xung quanh lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 21/10, giá vàng giao ngay tăng 0,9 USD (+0,05%), lên 1.783,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,10 USD (-0,17%), xuống 1.781,90 USD/ounce.

Dầu hạ nhiệt hôm thứ Năm sau khi dự báo về mùa đông ấm áp của Mỹ cản trở đà tăng trong thời gian gần đây do nguồn cung thắt chặt và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Thời tiết mùa đông ở phần lớn nước Mỹ dự kiến ​​sẽ ấm hơn mức trung bình, theo báo cáo do Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ công bố sáng thứ Năm.

Kết thúc phiên 21/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,92 USD (-1,1%), xuống 82,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,21 USD (-1,4%), xuống 84,61 USD/thùng.

Tin bài liên quan